MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Như thế là tội ác!

Lục Tùng LDO | 06/03/2018 13:39

Mọi biện minh cho việc cô giáo Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối vì “tội” phạt học sinh quỳ gối chỉ là sự “gợi ý” chứ không phải là sự “bắt buộc” được xem như sự tiếp tay cho tội ác! Nói cách khác, đó là tội ác!

Không phải ngẫu nhiên mà xã hội đồng thuận và lưu truyền nằm lòng câu hát tôn vinh người thầy: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”“Trọng thầy mới được làm thầy”... Theo truyền thống ông bà, người thầy luôn ở ngôi vị cao trong xã hội (quân - sư - phụ), tức chỉ dưới mỗi Vua - đấng tối cao trong thiên hạ - và trên cả bậc cha mẹ.

Trải thời gian, trải qua những thăng trầm của lịch sử, các bậc minh triết dân gian chiêm nghiệm rất nhiều, thậm chí trả giá bằng máu và nước mắt mới đúc kết nên thế thứ ngôi vị tôn kính này. Nói cách khác, nó được xem như điều khoản của luật pháp lòng dân mà mọi người từ nam - phụ - lão - ấu ai ai cũng phải nhớ và thực thi như một nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Theo đó, bất cứ ai vi phạm, xã hội sẽ tuyên án. Điều này tưởng chừng như “chẳng ra làm sao” so với luật pháp của Nhà nước? Nhưng không, nó hoàn toàn hơn hẳn. Bởi ở đây, không chỉ xử được những trường hợp mà luật pháp chưa thể hay khó có thể chạm tới, mà còn tuyên phạt những bản án có giá trị “ngàn đời”.

Khi câu chuyện cô giáo quỳ vì phạm tội đã bắt học sinh quỳ, có người đã tìm cách biện minh là ông Thuận - với tư cách là phụ huynh của học sinh - chỉ “gợi ý”, chứ không “bắt buộc”, hoặc chỉ quỳ trong 10 phút chứ không phải 30 phút, hay đổ lỗi cho giáo viên xử lý tình huống sư phạm kém... Có thể, điều đó là đúng vì không dễ để đưa ra chứng cứ trong tình huống bất thình lình đó. Và rất có thể khó thể áp dụng điều khoản nào trong các văn bản luật pháp vốn đòi hỏi chặt chẽ theo quy trình, quy định để phán xử.

Nhưng có một thực tế mà ai ai cũng đồng thuận là dù diễn ra ở bất cứ trạng thái hành động nào, thì hành xử mang tính “ăn miếng - trả miếng” với người thầy, ngay giữa học đường này cũng đáng xem là lỗi đạo, là đi ngược lại truyền thống, vi phạm bộ luật tôn sư trọng đạo của ông cha. Thậm chí, nó còn được xem như hành động tiếp tay đẩy đổ hình tượng người thầy trong mắt học sinh và lớn hơn là cả toàn xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với tội ác. Vì thế, cần có bản án thích đáng “ngay và luôn” của toàn xã hội trước khi bản án pháp luật có thể ra đời. Nếu không, đóm lửa nhỏ hôm nay sẽ ngấm ngầm rồi bùng phát thành đám cháy lớn trong thời gian không xa. Khi đó, có lẽ chỉ có võ sư mới dám vào ngành sư phạm?

Xin đừng vì động cơ nào mà biện minh cho hành động trái luân thường đạo lý!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn