MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngư dân ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) may mắn được cứu sống trong cơn bão vừa qua. Ảnh: Hữu Long

Những cái chết không đáng có và sợi dây kinh nghiệm “giá như” vẫn chưa được thu ngắn

Tường Minh LDO | 07/11/2017 18:27
Chỉ tính đến cuối ngày 6.11, tức chỉ 4 ngày sau khi bão số 12 chính thức vào biển Đông, toàn miền Trung đã có 44 người chết, 19 người mất tích, 1.358 nhà sập đổ, 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng.

Trước đó chưa đầy nửa tháng – tính đến cuối ngày 16.10, đã có 75 người chết, 28 người mất tích trong đợt mưa lụt lớn, xả lũ, sạt lở. Gia sản trôi theo 10.362 con gia súc, 301.449 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, chưa kể hàng nghìn ha lúa màu mất trắng.

Rồi một tháng trước nữa là 6 người chết, 37 người bị thương trong bão số 10. Và chỉ tính trong 20 năm trở lại, cả nước đã có hơn 13.000 người đã chết, mất tích trong thiên tai.

Đáng nói là trong số 44 người chết gần nhất, không nhỏ đến từ sự chủ quan của chính “đương sự”, những người có trách nhiệm và chính quyền địa phương.

Đó là những cái chết không đáng có!

Và người ta lại “giá như”…

Giá như chỉ huy tàu và thủy thủ đoàn không chủ quan thì sẽ không có vụ 13 người chết ở phao số 0 cảng Quy Nhơn. Giá như chính quyền địa phương quyết liệt hơn trong việc di dời dân thì sẽ không có chuyện 4 người chết ở Vạn Ninh (và 200 người suýt chết nếu không may mắn được “anh hùng” Nguyễn Bá Luân và các cộng sự cứu sống).

Giá như chính quyền địa phương xã Nam Giang của huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) không chủ quan, lường trước được các tình huống và quyết liệt hơn trong việc di dời dân đến nơi an toàn thì sẽ không có chuyện hai vợ chồng trong lúc hỗn loạn vì sạt lở núi đã không thể nào “lôi” theo cô con gái 17 tuổi đang còn ngủ ngon trên giường.

Và một gia đình nghĩ nhà mình không an toàn lắm nên xin qua nhà hàng xóm để tránh lũ. Tuy nhiên số phận run rủi, đêm ấy núi lại sạt lở đổ xuống ngay nhà ông hàng xóm. Và thế là cả hai gia đình bị vùi lấp trong bùn đất.

Có thể những phận người vừa kể sẽ không sớm từ bỏ thế gian này nếu như các địa phương ngoài phương châm 4 tại chỗ còn quán triệt thêm tại chỗ thứ 5 là “tự quản tại chỗ”. Tự quản một cách quyết liệt và sẵn sàng dùng biện pháp mạnh nhất để “lôi” cho bằng được người dân đến nơi an toàn.

Có thể nhiều lắm trong số 44 nạn nhân xấu số sẽ không chết nếu như lãnh đạo tỉnh Bình Định không nghĩ rằng “đó là sự cố không lường trước được” khi phát biểu về sự cố 13 người chết ở biển Quy Nhơn. Hay bình luận “những chỗ tưởng an toàn nhưng hóa ra lại không an toàn” của một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về việc 10 người chết và mất tích ở các xã vùng cao.

“Giá như” không phải là lỗ hổng bấy giờ mới lộ ra mà sợi dây kinh nghiệm này đã được rút đi rút lại không biết bao nhiêu lần sau mỗi mùa bão lũ.

Và sau mỗi "mùa" chết người và thiệt hại tài sản, người ta lại "giá như"...

Nên chắc chắn sẽ còn nhiều nữa những cái chết không đáng chết nếu sợi dây kinh nghiệm “giá như” không sớm được thu ngắn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn