MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(hình minh họa)

Những cán bộ thú y bị “bịt mắt”

LÊ PHI LONG LDO | 26/03/2018 11:00

“Bịt mắt” ở đây là sự ví von khi nói về việc một số cán bộ thú y kiểm dịch qua loa, lợn có triệu chứng lở mồm long móng vẫn được cho giết mổ bình thường. Chuyện đang xảy ra tại Quảng Bình.

Đọc những thông tin trên, không ai là không khỏi bức xúc. Đây là sự tiếp tay cho dịch bệnh lan rộng, cho những mầm bệnh phát sinh, lan truyền, hằng ngày thấm vào cơ thể người tiêu dùng.

Theo phản ánh của báo chí, tỉnh Quảng Bình chỉ có 3 lò giết mổ gia súc tập trung, trong đó chỉ có 2 lò có giấy phép hoạt động với thực trạng khá xập xệ, xuống cấp và dơ bẩn.

Hiện ở Quảng Bình đã và đang xuất hiện tình trạng lợn bị lở mồm long móng rải rác, nhưng khi PV một tờ báo xâm nhập thực tế 2 lò mổ có phép là Hải Dương 1 và Hải Dương 2 đã phát hiện quy trình làm việc của các cán bộ thú y gần như chỉ có việc… đóng dấu, còn lại các công đoạn khác để mặc chủ lò và người giết mổ làm gì thì làm. Đặc biệt, nhân viên thú y còn tiếp tay “biến” lợn chết, lợn có dấu hiệu bệnh thành lợn ngon để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tại chợ Hoàn Lão (H.Bố Trạch), PV tờ báo trên còn phát hiện nhân viên thú y đóng dấu kiểm dịch ngay tại các gian hàng, bất chấp quy định phải đóng dấu tại khâu giết mổ, không được đóng dấu tại chợ.

Đó là thực trạng tại 2 lò mổ có phép, còn trên toàn tỉnh có hàng trăm lò mổ hoạt động trái phép. Tình trạng trên đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người tiêu dùng.

Gần đây, chúng ta không thể không hoang mang trước các thông tin phản ánh thực trạng tại các lò mổ. Như sự việc gần 4.000 con heo xác định bị tiêm thuốc an thần, trong đó có khoảng 1.000 con heo mang mầm bệnh lở mồm long móng tại một cơ sở giết mổ ở TP.HCM; lợn bệnh được "hô biến" thành lợn mán, thịt hun khói tại Hà Nội hay phát hiện cơ sở mổ heo bệnh, heo chết bán ra thị trường tại Đồng Nai… Tuy nhiên, đây chỉ là số nhỏ những cơ sở giết mổ gia súc bị phát hiện, còn thực tế thì chắc chắn sẽ rất nhiều.

Một trong những nguyên nhân là do công tác quản lý chưa được thực hiện nghiêm túc, cán bộ thú ý bị “bịt mắt” khi thực thi nhiệm vụ, phát hiện ra sự việc thì không xử lý nghiêm, hoặc chưa đủ sức răn đe.

Có một thực tế đau xót là khi một lò mổ bị báo chí phanh phui những sai phạm thì người tiêu dùng ai cũng hoang mang, còn những cán bộ thú ý bị “bịt mắt” thì tìm mọi cách để… chối tội. Họ vẫn biết rằng sự tiếp tay đó là cơ hội cho dịch bệnh lan truyền, là nguyên nhân khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, bệnh tật ngấm sâu vào cơ thể nhưng chỉ vì chút lợi ích trước mắt mà “nhắm mắt làm ngơ”.

Đừng như vậy hỡi những người bị “bịt mắt”, hãy có lương tâm, trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, vì biết đâu mình lại chính là người có tên trong danh sách phải gánh chịu hậu quả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn