MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh này do một thanh niên ở Quảng Bình đưa lên mạng xã hội rồi tung tin đồn sai sự thật là lái xe rút súng bắn chết 2 người sau vụ va chạm giao thông.

Nữ sinh tự vẫn vì mạng xã hội: Đừng vô tình là kẻ tiếp tay!

LÊ PHI LONG LDO | 13/03/2018 19:00

Việc một nữ sinh ở Nghệ An nhảy ao tự tử, để lại thư tuyệt mệnh sau khi một trang mạng đăng clip nữ sinh này cùng một nam sinh khác “hôn nhau” khiến dư luận bàng hoàng.

Bản chất sự việc đang được điều tra, làm rõ. Nhưng có một sự thật rằng, trước khi tìm thấy thi thể một ngày, hình ảnh nữ sinh trên “hôn bạn trai” đã bị tung lên mạng và thu hút hàng nghìn lượt like, share, bình luận, chém gió… Trong phút chốc, nữ sinh tội nghiệp bỗng trở thành tội đồ và không chịu nổi áp lực của dư luận. Hậu quả buồn đã xảy ra!

Đây là hồi chuông báo động về thực trạng các trang mạng xã hội bị lợi dụng để phục vụ ý đồ cá nhân, câu view, câu like.

Ngay lúc này đây, khi đang viết những dòng này, trước mắt tôi vẫn đầy rẫy những dòng chữ và hình ảnh nói xấu, triệt hạ... trên mạng xã hội. Các đối tượng cho vay nặng lãi, con nợ bỏ trốn tung lên facebook nói xấu, truy tìm nhau; những bà vợ nghi ngờ chồng có bồ cũng tung hình ảnh đối thủ lên để chì chiết, thậm chí đăng ảnh thắp hương khấn vái hình ảnh một cô gái bị nghi ngờ nằm sau… bát hương; có người lại tung tin vợ người này, chồng người khác có bồ, nghiện hút để thoả cơn tức…

Tại Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương… liên tiếp xảy ra những vụ người dân tự ý đánh người, hủy hoại tài sản rồi đưa lên mạng xã hội với nội dung sai sự thật, gây hoang mang, bức xúc cho dư luận.

Do chưa được kiểm soát chặt chẽ nên nhiều tài khoản ảo, tài khoản giả mạo nhằm mục đích bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật vẫn diễn ra. Trong khi đó, người xem không cần biết đúng sai, thấy hay, thấy vui, thấy lạ, thấy hấp dẫn là like, là bàn tán, là chém gió, là chia sẻ…

Đó là thực tế đau xót của mạng xã hội hiện nay.

Nói cơ quan chức năng không xử lý thì không đúng, Công an Quảng Bình đã xử phạt một thanh niên 25 triệu đồng vì tung tin bịa đặt lên Facebook; một đối tượng ở Thanh Hoá bị bắt vì đăng tải nội dung xuyên tạc, hạ tuy tín các lãnh đạo; một thanh niên ở tỉnh Đồng Nai bị bắt vì tung tin bịa đặt về việc Việt Nam sẽ đổi tiền…

Thế nhưng, đó vẫn là số ít so với thực tế hiện nay.

Hiện chế tài xử phạt đã có nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Vì vậy các cơ quan chức năng cần nâng cao tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sử dụng thông tin trên mạng. Xử lý nghiêm những thông tin bịa đặt, sai sự thật; tăng cường quản lý và có những quy định chặt chẽ trong việc đăng ký, sử dụng tài khoản mạng xã hội…

Người ta ví mạng xã hội như cái chợ với vô số những thông tin không kiểm soát. Và chúng ta, hãy thận trọng với nút like, bình luận hay chia sẻ, vì nếu không sẽ bị lợi dụng, vô tình tiếp tay phát tán thông tin cho kẻ xấu chỉ trong tích tắc mà không biết hậu quả xảy ra!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn