MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Bắc Trà My (Quảng Nam) oằn mình với "lũ lớn đặc biệt"

Nước về đến hồ là xả

Tường Minh LDO | 06/11/2017 19:28
“Lũ đặc biệt lớn” là cụm từ lâu lắm mới xuất hiện trong bản tin dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ về tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung từ chiều tối qua và sáng nay 6.11.

“Đặc biệt” thật bởi đến thời điểm này, toàn miền Trung, khắp nơi là những biển nước mênh mông với những chia cắt, sạt lở, cô lập, điên cuồng dắt díu nhau chạy lũ đôi khi chỉ là tin đồn vỡ đập… Và số người chết và bị thương tăng lên từng giờ.

Những ám ảnh lịch sử đau thương lại quay về khi lũ ở Thừa Thiên – Huế chạm mốc cơn lũ kinh hoàng năm 1999 với hơn 500 người chết. Còn tại Quảng Nam, nhiều nơi đã xấp xỉ đỉnh lũ năm Giáp Thìn 1964 với gần… 6.000 người chết.

“Đặc biệt” vì hôm nay ở xã miền núi Trà Giang của huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam – nơi có 17 người chết và mất tích do sạt lở núi, quan tài người chết buộc phải trú tạm trong trụ sở UBND xã do người thân đã “tan cửa nát nhà”.

Bão, như vừa tàn phá Khánh Hòa, đã đành là chuyện của đất trời. Nhưng lũ lụt đang tàn phá và cướp đi mạng sống của người dân miền Trung lại là một câu chuyện khác. Đó là sự kết hợp đau lòng giữa thiên tai và “nhân tai”, giữa thủy điện và phá rừng/ “hi sinh” rừng – từ “lâm tặc” và sự nhân danh phát triển.

Điều này khiến "chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa có thể lớn nhất từ trước đến nay" như cảnh báo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp phòng chống bão lũ với các tỉnh miền Trung mới đây.

Sẽ lại có sự tranh cãi và lấp liếm rằng “chúng tôi đang bị chửi oan. Chúng tôi đã luôn xả lũ đúng quy trình vận hành liên hồ” và “chúng tôi đã điều tiết nước, nếu không lũ sẽ lớn hơn, nhanh hơn…”.

Nhưng biết giải thích sao đây khi đến vùng lũ nào, người dân cũng rên trời vì “lũ bây giờ không còn tuân theo một quy luật nào của tự nhiên và kinh nghiệm ngàn đời nay của người dân. Bây giờ cứ nghe mưa là thấy lũ về ầm ào. Có khi chẳng mưa cũng nước lên bất ngờ…”.

Lũ “nhân tai” không chỉ người dân tan cửa nát nhà, bị cướp đi mạng sống, kinh tế hủy hoại mà ngay cả những di sản văn hóa của cả nhân loại như Hội An cũng có nguy cơ bị đánh sập khi đến hẹn lại ngâm trong nước lũ và năm sau lũ cao hơn, lâu hơn năm trước.

Cũng tại cuộc họp trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cảnh báo, khu vực Bắc Trung Bộ, hồ chứa lớn đã đầy 70-90%. Nam Trung Bộ, hồ chứa cũng trong tình trạng đầy 80-100%, mực nước và lưu lượng tăng rất nhanh, vài ngày nữa, 100% các hồ sẽ đầy nước.

Hồ đầy nước thì đương nhiên bước tiếp theo là xả lũ, nếu không hồ đập sẽ vỡ! Nước đến chân mới nhảy – nỗi sợ hãi đó bây giờ cũng đã xưa như như quy luật mưa lũ và kinh nghiệm phòng chống dân gian!

Bây giờ sợ nhất là các hồ thủy điện cứ nước về đến hồ là xả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn