MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Hiền và đề xuất cải tiến chữ viết gây tranh cãi.

Phần 2 đề xuất “Tiếng Việt” thành “Tiếw Việt”: Thắng lợi tưởng tượng

QUANG ĐẠI LDO | 27/12/2017 07:51
Sau khi những chỉ trích và ồn ào tạm lắng, ông Bùi Hiền tiếp tục khuấy động dư luận với việc công bố phần 2 đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt. Hầu như không có tiếng nói nào ủng hộ, trừ chính… tác giả.

Mặc dù trước đó, ông Bùi Hiền tuyên bố phần nguyên âm chưa nghiên cứu xong; nhưng khi ông công bố, thì không hề đưa ra được một phương án thay thế nào như trường hợp các phụ âm, ngoài sự thay đổi vị trí chữ các chữ a/ô/ê/ơ (ví dụ: của->kuổ; cưa->cươ; tua->tuô; nia->niê…).

Như vậy, mặc dù đã bỏ công nghiên cứu mấy chục năm, song ông Bùi Hiền không có phát hiện gì mới, ngoài những điều mà các nhà ngôn ngữ tiền bối đã phát hiện, và đã đề xuất cách đây nhiều chục năm.

Sau khi hoàn chỉnh, giải pháp của ông Bùi Hiền cơ bản không có gì mới so với đề án tạm thời trước đó, đã bị phê phán, phản ứng dữ dội, từ giới chuyên môn cũng như cộng đồng.

Thế nhưng, dù chưa có khảo sát, nghiên cứu thực tiễn, ông Bùi Hiền vẫn tự tin cho rằng phương án ông đưa ra, “với học sinh lớp 1 và người dân tộc sẽ rút ngắn được thời gian “vỡ lòng” (biết đọc, biết viết) xuống ít nhất một nửa so với học chữ cũ”.

Ông Bùi Hiền còn vẽ ra một sứ mệnh đặc biệt cho loại chữ mà ông đề xuất: “Là công cụ sắc bén hơn, tiện lợi hơn cho công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay: người nước ngoài dễ học tiếng Việt hơn, dễ tiếp cận với nền kinh tế, văn hoá, khoa học Việt Nam hơn… dễ làm cho bạn bè mau hiểu Việt Nam, chóng có cảm tình với tiếng nói và chữ viết của người Việt hơn” (?).

Ông Bùi Hiền đã vội vã từ xuất phát điểm, bởi vì thứ chữ mà ông đề xuất, chưa được ai công nhận, chưa có người Việt nào học cả (ngoài ông), thì người nước ngoài cũng không học, và các “thành quả” mà ông nói, chỉ là tưởng tượng.

Một suy diễn vô lý, mà ông Bùi Hiền nêu ra, là “tiết kiệm được khoảng 9% thời gian, công sức, tiền của, vật tư, tài nguyên số trong việc xây dựng tất cả các loại văn bản bằng viết tay hoặc gõ bàn phím. Điều này cũng có nghĩa là làm tăng năng suất lao động hàng năm tới 8-9%”.

Trong kinh tế học, không có công thức, quy luật nào thể hiện việc giảm được 9% thời gian viết chữ, in ấn thì năng suất lao động sẽ tăng lên tương ứng. Mặt khác, con số 9% cũng là đề xuất chủ quan của ông Bùi Hiền, không kèm theo kết quả nghiên cứu, thống kê.

Đề xuất của ông Bùi Hiền, chắc chắn sẽ được nhắc lại, như một trường hợp đề xuất giải pháp có phần ngây thơ trong khoa học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn