MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một lớp học chữ Nho xưa. Tranh tư liệu

Phụ huynh “không chia tay vẫn đòi quà”: Khi mỹ tục bị biến tướng

QUANG ĐẠI LDO | 26/09/2017 11:39
Xưa nay, phụ huynh tặng quà cho giáo viên xuất phát từ tình cảm tôn trọng, như là lời cảm ơn đến các thầy cô đã có công lao dạy dỗ con mình nên người. Vì vậy, việc phụ huynh ở Mỹ Đức, Hà Nội “đòi lại quà” đã tạo nên một cú sốc lớn cho dư luận.

Xuất phát từ lòng kính trọng, biết ơn người thầy đã truyền dạy đạo lý, khai tâm cho con, nên vào ngày tết, các gia đình học sinh đều tổ chức lễ tết thầy. “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Thứ bậc trong xã hội xưa là “quân, sư phụ”; cha mẹ, nuôi nấng; còn thầy, có ơn giáo dục. Mà tết thầy cũng “lễ bạc lòng thành”, nghĩa là quan trọng ở cái tâm, sự trân trọng, chứ không nặng về vật chất, không lấy vật chất làm thước đo.  

Nề nếp tết thầy đã được duy trì qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, việc tặng quà cho thầy cô hiện nay đã bị biến tướng, nặng về vật chất, có tính chất “thủ tục”.

Đặc biệt, tại một số vùng thành thị, nơi người dân có điều kiện kinh tế, quà cáp đã được chuyển đổi thành phong bì cho “đơn giản, gọn nhẹ”. Thời điểm trao qua đã thành thông lệ, vào các ngày tết, 20.11, 8.3 …

Cách thức tổ chức đã thành phong trào, nghĩa là tập thể tổ chức thu tiền bình quân, rồi cử đại diện trao tặng ngay tại trường, lớp. Một số học sinh còn đưa phong bì cho giáo viên ngay trên bục giảng hoặc hành lang lớp học. Lại còn phân biệt giáo viên chủ nhiệm, môn chính, môn phụ để làm phong bì “nặng, nhẹ”.

Một số phụ huynh có điều kiện tổ chức đi chúc mừng thầy cô riêng, với những món quà, phong bì có giá trị lớn.

Tiền quỹ lớp, quỹ trường, trong đó có nội dung chi chúc mừng các thầy cô, trong một số trường hợp, đã trở thành gánh nặng cho những phụ huynh nghèo.

Một giáo viên tâm sự: “Nói thật, bây giờ tình nghĩa thầy trò đã khác xưa, vì cái gì cũng đã quy ra tiền cả. Thầy dạy thêm, thu tiền; rồi ngày lễ, ngày tết, cũng tiền. Chứ ngày xưa, thầy trò hồn nhiên, tình cảm, không có khái niệm tiền bạc xen vào”.

Có lẽ, cái tình cảm hồn nhiên này, giờ chỉ còn tồn tại ở những vùng miền núi, khó khăn. Giáo viên ở đây, không bao giờ biết khái niệm phong bì từ phụ huynh, mà ngược lại, các thầy cô phải bỏ tiền túi lo cho các em, từ cái áo, cây bút, quyển sách… Ngày tết, các em chúc mừng thầy cô bằng quả cam hái từ vườn nhà, với tất cả sự yêu thương, trân trọng.

Nhiều quan niệm, nề nếp trong giáo dục đã bị biến tướng mà sự việc “phụ huynh đòi quà” là một sự kiện, mở ra nhiều góc tối đáng buồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn