MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con trai bà Bình bên di ảnh mẹ ở xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Q.Đại

“Phù phép” người khuyết tật đi xuất khẩu lao động: Những lỗ hổng nghiêm trọng

QUANG ĐẠI LDO | 03/02/2018 13:12
Theo thông tin từ báo Lao Động, bà Trần Thị Bình (53 tuổi), quê Nghệ An, là đối tượng khuyết tật nặng nhưng được phù phép thành một người trẻ hơn 14 tuổi, đủ sức khỏe để đi giúp việc gia đình tại Saudi Arabia, sau đó tử vong.

Đến nay, thân nhân chưa rõ nguyên nhân tử vong, chưa nhận được thi thể và chưa được hỗ trợ, bồi thường và cũng không có ai đứng ra nhận trách nhiệm.

Sự việc nói trên cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong khâu quản lý lao động xuất khẩu. Gia đình có trong tay cuốn hộ chiếu với tên Vương Thị Hoài Thu, nhưng lại mang ảnh bà Bình. Nếu đây là hộ chiếu giả, tại sao có thể qua mặt được cơ quan chức năng và cả doanh nghiệp, vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực hồ sơ xuất khẩu lao động?.

Trường hợp đây là hộ chiếu được cấp bởi cơ quan chức năng, sự việc cũng rất nghiêm trọng khi đã để xảy ra tình trạng tráo đổi hình ảnh. Việc này là điều rất khó tin bởi vì để làm hộ chiếu, người dân cần phải chụp ảnh, mang theo chứng minh nhân dân bản gốc. Cán bộ sẽ xem xét, đối chiếu thông tin, hình ảnh trùng khớp thì mới chấp nhận.

Mặt khác, theo nguyên tắc, bà Bình phải được cơ quan y tế kết luận đủ sức khỏe, không bị khuyết tật, không bị bệnh truyền nhiễm… thì mới đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động. Trong khi theo hồ sơ có xác nhận của cơ quan chức năng, bà Bình là đối tượng khuyết tật nặng, đang hưởng trợ cấp. Bà được xác nhận có bệnh về thần kinh, chân bị giãn tĩnh mạch đi khập khiễng.

Thế nhưng mọi thủ tục về đối tượng này đều hoàn tất. Nhiều khả năng, ai đó đã tiến hành khám bệnh… trên giấy, nghĩa là chỉ ký khống hồ sơ do “cò mồi” đưa đến, chứ không khám trực tiếp.

Và hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra, bà Bình đã tử vong khi mới sang Saudi Arabia được khoảng 7 tháng, đến nay thi thể chưa được đưa về quê nhà.

Tại Saudi Arabia, nhu cầu về nữ giúp việc lớn, và đã có rất nhiều trường hợp phản ánh bị chủ đánh đập, vắt kiệt sức, hành hạ, bỏ đói, bị lạm dụng. Đã có một số trường hợp tử vong.  

Một số nước như Philippines và Sri Lanka đã tạm dừng cung cấp lao động giúp việc gia đình cho Saudi Arabia vì nhiều rủi ro. Gần đây, Indonesia cấm phụ nữ sang Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia làm nghề giúp việc nhà.

Trong khi đó, do nguồn lợi từ phí môi giới, các doanh nghiệp luôn quảng bá và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động đi làm nghề giúp việc. Người lao động cũng vì khó khăn, thiếu hiểu biết, nghĩ rằng được đi xuất khẩu lao động miễn phí nên đăng ký mà không lường trước những khó khăn, nguy hiểm.

Sự việc nói trên cho thấy cần có những chế tài mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong khâu quản lý xuất khẩu lao động, đặc biệt nghề “Osin” ở Saudi Arabia, chấm dứt những nỗi đau không đáng có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn