MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Đại gia" Hà Văn Thắm đã dùng hàng ngàn tỉ đồng của Ocean Bank chăm sóc các chức sắc (nguồn ảnh: Cafef.vn).

Quan hư, đâu chỉ do lỗi “đại gia”…

Thế Lâm LDO | 22/09/2017 06:45
“Có tình trạng đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ, trong đó có cán bộ to, làm méo mó mối quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật khá phổ biến nhưng mình chưa quan tâm đúng mức. Tôi nghiệm lại mấy ông lớn đều có tội lớn của đại ca cả…” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nói trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19.9.

Tuy nhiên theo chúng tôi, ông Việt mới nói đúng một góc tình trạng. Đó là những trường hợp các “đại gia, đại ca” chủ động thiết lập mối quan hệ với quan chức; biếu cống tiền quà; chăm sóc, hầu hạ... Lần đầu không tiếp cận được thì lần hai, dùng chiến thuật theo câu châm ngôn: “Cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng nhiều tiền. Cái gì không thể mua được bằng nhiều tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền…”.

“Bằng chứng” của chiến thuật này mà các “đại gia, đại ca” áp dụng đã thể hiện rất rõ ngay trong phiên xét xử vụ án Oceanbank. Nguyễn Xuân Sơn khai nhận cầm 300 tỉ đồng từ Hà Văn Thắm để đi chăm sóc phía PVN; hơn 1.500 tỉ đồng của Oceanbank “không cánh mà bay” tới những địa chỉ để “trả lãi ngoài, chăm sóc”…

Và nếu theo logic này mà nói rộng ra, thì có lẽ các “đại gia, đại ca” còn làm hư những người đẹp nữa. Chúng ta vừa trải qua phiên xét xử hoa hậu Phương Nga chưa quá lâu.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, “đại gia, đại ca” có tiền thì quan chức có quyền. Có quyền trong tay, nếu công minh, liêm chính thì liệu các “đại gia, đại ca” có làm hư được không? Hay vì quan chức không thể cầm lòng được trước “nhiều tiền” và “rất nhiều tiền”? Và đặc biệt là, việc nhận “nhiều tiền” và “rất nhiều tiền” ấy của quan chức tại Việt Nam hiện chưa có những công cụ, giải pháp kiểm soát hữu hiệu, vì thế không bị lộ, cho nên cứ thế… bị “đại gia, đại ca” làm hư hỏng.

Nói gì thì nói, về mặt cá nhân, mỗi con người trước hết phải tự chịu trách nhiệm về chính mình và những việc mình làm. Quan chức còn bị điều chỉnh bởi nhiều qui định hơn, cả về luật pháp xã hội và qui định của tổ chức. Và trong thực tế xã hội, cũng không thiếu trường hợp, thỉnh thoảng “anh hai, anh ba” lại gọi điện “nhờ” việc này, kêu gọi “hỗ trợ” việc kia, “đại gia, đại ca” đang là doanh nghiệp muốn yên phận làm ăn hay để công việc êm xuôi không lẽ không nói “để em lo”…

Rồi thì cũng chẳng rõ tường được ai mới thực sự làm hư ai trong mối quan hệ đầy phức tạp và tế nhị giữa các “đại gia, đại ca” và quan chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn