MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội phát biểu tại hội trường Quốc hội (Ảnh: Q.H)

Quản lý rượu “quê”, cần giao cho một đầu mối

Xuân Hải LDO | 26/03/2017 10:11
Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội - đã nói như vậy trước tình trạng ngộ độc do uống rượu có chứa methanol - cồn công nghiệp, liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người phải nhập viện, không ít trường hợp đã tử vong.

Ông Xuyền cho hay, vấn đề ngộ độc rượu không phải bây giờ mới diễn ra, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Thời gian gần đây, tần xuất bị ngộ độc do uống rượu chứa methanol - cồn công nghiệp tăng lên nhiều hơn. Trước thực trạng này, các ngành chức năng nhất là y tế, công thương, chính quyền các cấp, các địa phương có tình trạng ngộ độc do uống rượu xảy ra đã có những biện pháp để vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này, tuy nhiên vẫn chưa quyết liệt. Vấn đề an toàn thực phẩm cũng được Quốc hội tập trung trong việc tăng cường, giám sát.

“Theo tôi, bây giờ trước hết phải tăng cường quản lý nhà nước về mặt hàng này, việc quản lý rượu nên giao cho một đầu mối quản lý để qui rõ trách nhiệm, chứ hiện nay còn giao cho nhiều đầu mối quản lý dẫn đến thiếu sự thống nhất” – ông Xuyền nói.

Ông Xuyền cũng cho biết, rượu “quê” là loại rượu do người dân tự nấu không có nhãn mác, xuất xứ, đa số không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý, thêm vào đó, việc quản lý, kinh doanh rượu “quê” những qui định trong lĩnh vực này chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, thậm chí qui định còn chồng chéo.

Bên cạnh đó, do một số người vì hám lợi nên cố tình pha cồn công nghiệp vào rượu khiến cho người tiêu dùng vô tình tự mua “thuốc độc” cho mình mà không biết. Do vậy, để quản lý vấn đề này, ông Xuyền đề nghị, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm và cần qui rõ việc quản lý cho một cơ quan, đầu mối để qui trách nhiệm và xử lý.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh. Đây là cơ quan thuộc UBND TPHCM, có nhiệm vụ giúp thành phố thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Việc có một cơ quan đầu mối như vậy thì mới qui rõ được trách nhiệm thuộc về ai, như thế nào trong vấn đề an toàn thực phẩm, cũng như việc ngộ độc rượu” – ông Xuyền nói.

Ông Xuyền cho rằng, cùng với đó, chính quyền địa phương xã, phường sở tại phải thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các gia đình, hộ gia đình nấu rượu, kinh doanh rượu phải thực hiên nghiêm túc về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phải tập trung tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.

“Đối với các hộ dân nấu rượu, kinh doanh rượu cũng phải nghiêm túc chấp hành vấn đề an toàn thực phẩm và phải đăng ký kinh doanh nếu nấu rượu để bán, nếu sản phẩm không an toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí phải xử lý hình sự đối với trường hợp cố ý vi phạm khiến nhiều người bị ngộ độc thì mới răn đe được người khác” – ông Xuyền nhấn mạnh.

Tối 22.3 vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 7 trường hợp nghi ngờ bị ngộ độc methanol trong rượu, sau khi đã uống 1 lít rượu trắng được pha chế lẫn với rượu ngâm ba kích.

Theo ông Nguyễn Văn Huy - Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, từ Tết Nguyên đán Đinh Dậu tới nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận gần 30 trường hợp nghi ngờ ngộ độc methanol trong rượu, trong đó có nhiều trường hợp bị nặng và một số người tử vong.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn