MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quy định trích lập chi phí dự phòng: Dễ bị lợi dụng

Long Nguyễn LDO | 14/03/2017 08:21
Khẳng định quy định trích lập chi phí dự phòng là đúng đắn và cần thiết, song tiến sĩ, luật sư (TS.LS) Hoàng Ngọc Giao cũng thẳng thắn nêu quan điểm: Nếu không siết chặt lại hoạt động, nguy cơ các doanh nghiệp (DN) lợi dụng chính sách để trốn thuế hoặc che giấu năng lực tài chính là rất cao.

Dễ bị lợi dụng…

Trước những lo ngại của dư luận về nguy cơ trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước trong thực hiện quy định về trích lập chi phí dự phòng (TLCPDP), TS.LS. Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách - nêu quan điểm, việc TLCPDP là một chính sách đúng đắn nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho DN trong trường hợp phát sinh bất khả kháng trong kinh doanh, giảm thiểu rủi ro cho DN, đảm bảo sự sống còn của DN…

Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy song khi được chuyển tải thành các quy định để thực thi lại cho thấy còn nhiều vấn đề. Đặc biệt có hiện tượng DN thực hiện trích lập không đúng nguyên tắc nhằm mục đích che giấu năng lực, lợi nhuận...

TS.LS Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm về quy định TLCPDP.

Vị chuyên gia phân tích: Có DN thì lợi dụng việc trích lập dự phòng để tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng không có đủ căn cứ nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách (đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi). Có DN thì lại lợi dụng nó để giấu lỗ (đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ). Và bởi việc lập dự phòng làm giảm thu nhập của DN dẫn đến một số lợi dụng điều này để tìm cách “tránh thuế”, làm giảm thu ngân sách của Nhà nước.

“Có nhiều DN không còn khỏe mạnh. Nhìn bề ngoài thì vẫn họat động bình thường, khả năng phá sản không bộc lộ rồi đưa lên thị trường chứng khoán. Thế nhưng lúc này những bản cáo bạch không còn phản ánh đúng thực tế nữa. Đồng nghĩa với việc nhà đầu tư vào DN bị lừa dối. Ngược lại, có những DN hoạt động bình thường song việc trích lập quá nhiều dẫn đến thua lỗ lớn không đúng bản chất, làm giá cổ phần tụt giảm, là cơ hội cho nhóm lợi ích thâu tóm kiếm lời, dẫn đến nhà nước mất tài sản…” – TS. Giao nói.

Bàn về vai trò của các cơ quan kiểm toán trong quy định này, người đứng đầu Viện nghiên cứu chính sách cho biết, một cơ quan kiểm toán lành mạnh sẽ đảm bảo cho các báo cáo tài chính minh bạch. Còn ngược lại, sẽ là nhân tố tiếp tay cho các DN trục lợi.

Ông cho biết: “Các tổ chức kiểm toán của chúng ta ngoài cơ quan kiểm toán nhà nước thì còn có những tổ chức độc lập. Thực tế hiện nay cho thấy, có không ít cơ quan kiểm toán không độc lập và không trung thực. Do đó, cần rà soát ngay những quy định để đảm bảo tính độc lập của kiểm toán và có những chế tài đối với các tổ chức kiểm toán khi có hiện tượng thông đồng, che dấu, đồng lõa với DN để hợp pháp hóa tất cả những cái gọi là trích lập dự phòng”.

Đề xuất bêu tên DN, cơ quan kiểm toán sai phạm

Trước phân tích trên, TS.LS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu khả năng này loang rộng. Ông cũng đồng thời đề xuất phương hướng nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình. Vị chuyên gia nói không đặt vấn đề hình sự hóa một cách tuyệt đối (trừ những vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu cụ thể của tội lừa đảo, trốn thuế…) mà cần tăng các chế tài kiểm soát và xử phạt về hành chính. 


Ông nêu quan điểm: “Tất nhiên, tăng cường kiểm soát không có nghĩa là gây phiền phức cho DN mà là tạo một quy trình để quá trình kiểm toán sẽ không còn lỗ hổng để các bên lợi dụng nữa. Còn về xử phạt vi phạm, đối với DN, song song với việc phạt hành chính chúng ta cần bêu tên DN lên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái này tôi tin họ sẽ rất sợ bởi uy tín giảm sút đồng nghĩa với việc khó khăn trong làm ăn.

Còn với cơ quan kiểm toán, ngoài việc xử phạt về hành chính thì còn có biện pháp tước giấy phép hành nghề rồi cũng bêu tên lên truyền thông, đánh tụt thứ bậc xếp hạng, xem họ xứng đáng nằm ở danh sách xanh, vàng, hay đỏ. Ví dụ một DN mà được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán trong danh sách vàng thì chẳng có mấy nhà đầu tư dám mạo hiểm. Tóm lại, vấn đề công khai minh bạch rất quan trọng…”.

Nói thêm về vai trò giám sát của các cơ quan nhà nước trong hoạt động TLCPDP, TS Giao cho biết, có rất nhiều đơn vị có khả năng làm được việc này, điển hình như cơ quan thanh tra. 

"Thanh tra về thuế cũng có quyền xác nhận lại báo cáo của DN có chuẩn không? Có trốn thuế ko? Thanh tra về tài chính đối với lại các hoạt động của cơ quan kiểm toán... Chúng ta có một lọat các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm những việc này, nhưng cần phải trao cho họ một quy trình rõ ràng, minh bạch để tránh tình trạng cơ quan đi thanh tra lại vào hùa với cơ quan bị thanh tra, hiện tượng này ở nước ta không thiếu…" - ông cho biết.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn