MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(Ảnh minh họa - Quỳnh Trang; nguồn dẫn: Vnexpress).

Sẽ ra sao nếu không khuyến khích được người giỏi làm thầy?

Thế Lâm LDO | 07/08/2017 06:45
Một kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đã lộ ra nhiều vấn đề đáng lo ngại: Điểm chuẩn vào các khối trường Công an, Quân đội, Y dược cao ngất đến bất thường vượt mức điểm tối đa; trong khi điểm chuẩn vào khối các trường/ngành sư phạm phải hớt đến dưới mức điểm trung bình…

Điểm thi ba môn 29,15 vẫn rớt ngành y đa khoa gây sốc!

Điểm chuẩn 30, và 30,5 vào ngành Quân y và trường An ninh gây sửng sốt!

Và bây giờ, điểm chuẩn phải “vét” dưới trung bình mức 12,75 vào ngành sư phạm lịch sử gây lo ngại.

Nhiều năm qua, xã hội từng nhiều lần gióng lên tiếng chuông cảnh báo đầy lo lắng là học sinh không thích học môn lịch sử, không nhớ, không thuộc lịch sử.

Bây giờ điểm chuẩn tuyển đào tạo giáo viên lịch sử chỉ lấy 12,75 chính là sự ngân dài khắc khoải của những hồi chuông từ nhiều năm trước.

Nhưng sự khắc khoải lo âu này đã lan sang cả các môn tin học, sinh học, vật lí, hóa học… Toàn là những môn quan trọng của các cuộc thi học sinh giỏi, tạo ra nhân tài. Toàn là những môn quan trọng để thúc đẩy sáng tạo và phát triển đất nước sánh với năm châu. Thế nhưng, tuyển đầu vào những người thầy tương lai của các môn quan trọng này, lại phải “vét” điểm chuẩn thấp đến đáng ngại.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sinh viên ít chọn ngành sư phạm vì ra trường khó xin việc, dễ bị đẩy đi vùng sâu, vùng xa, đời sống khổ cực mà lương cũng không cao, trong khi chọn các ngành nghề có điểm chuẩn cao chót vót kia, không chỉ được bảo đảm cuộc sống ít lo âu về học phí, tiền ăn ở của những năm đại học, mà tương lai còn được bảo đảm, thậm chí có thể giàu có, sung túc.

Tôi có quen nhiều người bạn, gia đình họ có truyền thống làm nghề giáo. Có những người học giỏi và trung bình, nhưng khi quyết định thi vào sư phạm và chọn nghề giáo, họ cho biết, vì theo truyền thống gia đình, vì thích nghề dạy học khá nhàn nhã, vì học lực có hạn phải lượng sức mình không nên vào các ngành có tỉ lệ “chọi” quá căng v.v…

Lí do, nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng vấn đề cần giải quyết thì chỉ nên tập trung: Làm sao khuyến khích những học sinh giỏi vào ngành sư phạm? Bởi đó là ngành sẽ dạy dỗ tạo ra những học sinh giỏi, những nhân tài tương lai cho đất nước… vững vàng về nhân cách.

Hàng chục năm qua, chúng ta lẩn quẩn với chiến lược cải cách giáo dục theo hướng nào, như thế nào, từ mô hình giáo dục đến phương pháp giảng dạy, giáo trình.v.v…, nhưng dường như rất ít khi đề cập đến thực trạng: Người giỏi không vào ngành sư phạm. Không riêng gì tiến sĩ Giáp Văn Dương đâu, mà ngay những người bình thường nhất cũng có thể thấy rằng, nếu đầu vào trường sư phạm không giỏi, thậm chí yếu, thì khó có thầy giỏi và cũng khó tạo ra một nền giáo dục mạnh ở bậc phổ thông vốn là nền tảng của bất cứ một nền giáo dục nào.

Vậy thì cải cách giáo dục, tiên quyết không phải những vấn đề xa vời hay vĩ mô, mà chính là tạo ra cơ chế, chính sách thu hút thí sinh điểm cao, học sinh học giỏi vào ngành sư phạm; chính là những qui định thiết thực nhất để không còn những điểm chuẩn vào trường sư phạm/ngành sư phạm ở mức 12,75 hay 13, 14, 15…

Chắc chắn là, một nền giáo dục phổ thông muốn mạnh thì phải có những thầy giỏi, trên cơ sở đó chúng ta xoay chuyển cải cách mô hình hay phương pháp, giáo trình của nền giáo dục sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Thầy không giỏi thì phương pháp có tiên tiến hay giáo trình có hay ho mấy thì hiệu quả giảng dạy cũng sẽ hạn chế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn