MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm chuẩn tuyển sinh trường Đại học sư phạm Huế.

Sinh viên sư phạm có điểm đầu vào dưới trung bình, nền giáo dục sẽ đi về đâu?

Thủy Lâm LDO | 02/08/2017 19:00
Chúng ta nói về kì thi THPT quốc gia vừa rồi có kết quả quá cao, quá đẹp, đẹp đến bất thường. Thế nhưng, sau khi điểm sàn được công bố thì dường như không phải như vậy. Dư luận lại thêm một lần sốc bởi điểm chuẩn của nhiều trường đại học quá thấp. Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu tìm mối liên quan giữa kết quả thi cao hơn mọi năm và điểm chuẩn thấp hơn mọi năm sẽ cho ra kết quả gì?

Quá chênh lệch về điểm chuẩn giữa những đại học ở các vùng miền

Điểm chuẩn lệch nhau giữa các trường là điều bình thường, song năm nay sự chênh lệch giữa các trường ở các vùng miền là quá lớn. Cũng một ngành học nhưng điểm chuẩn giữa trường ở Hà Nội, TPHCM và ở miền Trung có một khoảng cách quá xa, từ 5 – 7 điểm là phổ biến, có ngành chênh lệch trên 10 điểm. Thực tế này cho thấy xu hướng chọn trường của học sinh ngoài chất lượng của các trường đại học (cách lựa chọn chủ yếu trước đây) giờ chuyển sang chọn môi trường học tập, môi trường sống để trải nghiệm, để dễ trưởng thành và để dễ tìm cơ hội làm việc sau này.

Việc lệch điểm chuẩn này sẽ tạo ra sự phân hóa rất rõ về chất lượng đầu vào – đầu ra giữa các trường đại học, nghĩa là cũng một chuyên ngành đào tạo và đầu ra giống nhau cùng một nghề nghiệp nhưng họ lại quá cách xa nhau về chất lượng. Đồng thời nó còn tạo ra sự phân hóa về vị trí của các trường. Một số trường, thậm chí những trường từng có bề dày lâu năm về chất lượng và uy tín cũng có khả năng đứng trước nguy cơ mất hạng bởi vì điểm chuẩn thấp và thậm chí không cần điểm chuẩn, chỉ xét học bạ để vào trường.

Ngoài ra, điểm chuẩn không chỉ lệch ở những ngành học giống nhau mà còn ở các ngành học khác nhau. Điểm chuẩn ở các ngành công an, quân đội, y khoa… quá cao sẽ thu hút hết nhân tài vào đó. Nguy cơ sẽ không còn người giỏi ở những ngành nghiên cứu, khoa học chuyên sâu, là lĩnh vực rất cần người giỏi. Hệ lụy sẽ là rất lớn.

Điểm chuẩn một số trường sư phạm thấp đến mức gây sốc

Sau khi một số trường đại học sư phạm ở miền Trung công bố điểm chuẩn, dư luận đã rất bức xúc bởi điểm chuẩn quá thấp (không phải so với các trường ở Hà Nội, TPHCM mà so với điểm chuẩn chung). Rất nhiều bộ môn có điểm chuẩn dưới điểm trung bình (dưới 15 điểm). Sản phẩm đào tạo của trường sư phạm từ những sinh viên có đầu vào chưa đạt điểm trung bình thì sẽ như thế nào trong khi chúng ta đang nói đến đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng của người dạy? Thực tế đầu vào dưới và xấp xỉ điểm trung bình sẽ đưa chất lượng giáo viên về đâu, nền giáo dục tương lai đi về đâu? Câu hỏi này xin để được dành cho những nhà quản lý.

Lùi lại dăm bảy năm về trước, khi nhà nước có chủ trương khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm với những ưu đãi nhất định. Thời điểm đó đã tuyển được khá nhiều giáo viên giỏi. Thế nhưng bây giờ, cũng nhà trường đại học ấy nhưng vẫn sẵn sàng tuyển những sinh viên chưa đạt điểm trung bình để đào tạo ra làm nghề dạy học liệu có nên chăng? Chỉ vì để trường tồn tại mà các trường sư phạm tuyển sinh viên có chất lượng đầu vào quá thấp, tuyển cho lấy được bất chấp chất lượng và hậu quả sau này có nên chăng?

Nếu thực tế điểm thi THPT quốc gia năm nay cao hơn mọi năm, “đẹp” hơn mọi năm, nói đẹp là bởi điểm cao ấy không phải là kết quả của chất lượng giáo dục cao hơn mà vì đề thi, hình thức thi thay đổi thì điểm chuẩn của một số trường đại học quá thấp càng rất đáng báo động về chất lượng sản phẩm đào tạo đặc biệt là các trường sư phạm. Sự phân hóa điểm với sự chênh lệch quá cao giữa các trường, giữa các ngành cũng có thể tạo nên nhiều hệ lụy khác. Những hệ lụy này trước mắt chúng ta chưa thấy, nhưng nó sẽ đến trong tương lai không xa. Chẳng lẽ, cứ phải ngồi chờ hậu quả xảy ra rồi mới sửa!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn