MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường mầm non nơi xảy ra sự việc một cô giáo bị "gợi ý" phá thai vì thành tích của trường. Ảnh: LĐO

Tấm bảng thành tích và cách đối xử giữa người với người

Nguyễn Đắc Thành LDO | 13/04/2018 10:09

Vì chạy theo tấm bảng thành tích mà nhiều người, nhiều đơn vị đã có những việc làm, hành động rất khó chấp nhận được. 

Trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vì "mục tiêu" về đích sớm, nhiều địa phương đã phải ôm nợ. Con số nợ lên đến hàng tỷ đồng, kèm với đó là chất lượng những công trình không được đảm bảo. Người dân phải đi vay tiền để đóng góp trong công cuộc chạy theo thành tích của địa phương.

Những bi hài kịch cười ra nước mắt trong việc chạy theo thành tích đã đẩy sự việc theo những mặt tiêu cực. Sự việc mới nhất đó là một hiệu trưởng trường mầm non ở Quảng Ngãi đã "gợi ý" cho giáo viên trường này phá thai hoặc chuyển công tác vì sợ ảnh hưởng đến thành tích.

Chuyện đắng chát đó lại là cách cư xử giữa những người cùng có thiên chức làm mẹ.

Cô giáo B. vì muốn có con trai mà hai vợ chồng quyết định sinh thêm đứa nữa. Thế nhưng, khi nghe tin cô B. có thai, vị hiệu trưởng của trường này đã không ngần ngại bảo cô giáo đi phá thai hoặc chuyển trường.

“1 tháng, 2 tháng, 3 tháng sao không biết. Em không biết hay cố tình giữ đứa con. Em không biết giải quyết sao hết à. Nếu không biết, tao dẫn mày đi. Cái mặt mày ngu, dốt...”- nội dung ghi âm được báo chí trích dẫn.

Khi nghe ghi âm, vị hiệu trưởng kia chối bỏ nhưng Trưởng phòng Giáo dục huyện Tư Nghĩa thì khẳng định lời nói trong ghi âm là của bà hiệu trưởng.

Sợ ảnh hưởng thành tích của trường và bị gây áp lực, cô giáo B. đã thống nhất theo yêu cầu của hiệu trưởng là nghỉ sinh trong vòng 2,5 tháng. 

Vì thành tích mà “gợi ý” một người mẹ bỏ đi đứa con của mình, buộc bà mẹ mới sinh chưa tròn 3 tháng phải đi làm trở lại trong khi chế độ nghỉ thai sản là 6 tháng và được về sớm trước một giờ đồng hồ.

Đọc đến đây, chắc hẳn nhiều người sẽ phải thốt lên rằng “cái bảng thành tích là gì mà ghê gớm vậy?”. Ghê gớm đến mức giữa những người phụ nữ đã từng trải qua thiên chức làm mẹ, từng sinh đẻ lại đối xử với nhau như vậy.

Có thể thành tích mà ngôi trường mầm non kia đã dựng lên bấy lâu nay là công sức, mồ hôi tích cóp từ nhiều năm, nhưng chỉ vì sợ đánh mất cái thành tích đó mà đi đối xử với đồng loại, đồng nghiệp của mình như vậy liệu có đáng?

Liệu có phải những tấm bảng với dòng chữ “đơn vị đạt thành tích xuất sắc...", "đơn vị có thành tích trong phong trào...” là điều mà nhiều người bất chấp tất cả để đạt được?

Phải chăng cái bảng thành tích sẽ đem lại sự hạnh phúc, niềm vui lớn hơn là sự chia sẻ giữa người với người?

Khi căn bệnh thành tích lan khắp mọi nơi, những điểm sáng mà nó đem lại chưa nhiều thì chính nó lại đem đến những tiêu cực và bi hài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn