MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chất vấn tại kì họp Quốc hội vừa qua liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn (ảnh:QH).

Tăng chế tài xử lí thực phẩm bẩn: Đúng lòng dân, nhưng lòng dân cũng cần kiên quyết!

Thế Lâm LDO | 23/06/2017 06:52
Kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc với việc thông qua 1 trong 3 nghị quyết liên quan đến một vấn nạn đang nhức nhối: Thực phẩm bẩn.

Nghị quyết về an toàn thực phẩm được kì họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thông qua đúng mong đợi của người dân. Là bởi, vấn đề thực phẩn bẩn tại Việt Nam đã được nói đến quá nhiều; các vụ phát hiện, bắt thực phẩm bẩn cũng đã xảy ra quá nhiều và đến báo chí nước ngoài cũng đã đề cập, xem nó như một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến Việt Nam lọt vào top các quốc gia có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới.

Thực phẩm bẩn là vấn nạn chung của xã hội, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Song việc quản lí, kiểm soát và kiềm chế nó ở mỗi quốc gia mỗi khác vì còn tùy thuộc vào hành lang pháp lí, quy định pháp luật và việc thực thi luật bằng các chế tài, thái độ xử lí có đủ mạnh và kiên quyết hay không.

Đáng mừng là Quốc hội đã nhìn nhận nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là “do yếu tố chủ quan là chủ yếu, trước hết thuộc về sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp”, cùng với đó là “sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm".

Bốn định hướng mà Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai là khá đồng bộ và toàn diện: Thứ nhất là rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lí. Thứ hai là xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lí. Thứ ba là tăng chế tài xử phạt. Thứ tư là xây dựng các quy chuẩn an toàn thực phẩm cũng như ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn đúng tiêu chuẩn...

Trong 4 hướng tăng cường này, vấn đề tăng chế tài xử lí cần được triển khai ngay. Bởi bệnh tật, sức khỏe do thực phẩm bẩn gây ra không thể chờ qua tháng này, năm nọ mà nó từng phút, từng giây gây tổn hại sức khỏe, bào mòn cơ thể của người dân Việt. Không những tăng mức xử phạt hành chính, mà còn nên có quy định đối với những trường hợp (cá nhân, tổ chức) vi phạm nghiêm trọng cần bị đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh, cấm hành nghề, kinh doanh trong cùng lĩnh vực trong một quãng thời gian nhất định. Đối với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, cá nhân và tổ chức đã một lần vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm thì rất ít cơ hội quay trở lại ngành nghề này.

Vấn đề hình sự hóa đối với các thủ phạm làm thực phẩm bẩn hiện nay cũng chưa thật kiên quyết, dễ được giảm nhẹ hay bỏ qua. Mà đặc biệt, đối tượng dễ dàng bỏ qua cho các hành vi, thương hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm lại chính là người tiêu dùng chứ không ai khác. Người tiêu dùng Việt Nam được xem là nằm trong Top dễ dãi, dễ quên đối với các sản phẩm, thương hiệu thực phẩm bẩn. Đây cũng chính là một trở ngại lớn trong việc dùng áp lực xã hội để xử lí thực phẩm bẩn.

Như vậy, nghị quyết của Quốc hội về việc tăng chế tài xử lí thực phẩm bẩn đã rất hợp, rất đúng lòng dân. Nhưng từ phía người dân - người tiêu dùng, cũng cần nhận thức rõ ràng với một thái độ kiên quyết, chứ không thể cứ chạy theo của rẻ mà xem nhẹ chất lượng, sự an toàn; không thể dễ dàng bỏ qua cho những cá nhân, thương hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm khi họ trở lại quảng cáo hào nhoáng và dùng khuyến mãi xóa nhòa vết nhơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn