MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đời sống, điều kiện dạy học của giáo viên vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Báo Lào Cai

Tăng lương cho giáo viên là cần thiết, nhưng….

QUANG ĐẠI LDO | 26/11/2017 14:00
Trước thông tin lương giáo viên được Bộ GD-ĐT đề xuất xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, hầu hết giáo viên đều tỏ ra hoài nghi vì câu hỏi muôn thuở: “Nguồn đâu để tăng?”.

Một hiệu trưởng THPT tại Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi cho rằng việc tăng lương cho đội ngũ giáo viên trong hoàn cảnh hiện nay là không khả thi. Trước đây, cũng đã có nhiều ý tưởng, hứa hẹn, nhưng tất cả mới chỉ có tính chất động viên”.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2017 cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý, tổng số người làm việc trong ngành giáo dục là 1.672.506 người. 

Ngành giáo dục hiện đang chiếm 70% quỹ lương khối sự nghiệp; 52% biên chế sự nghiệp của cả nước.

Nhiều địa phương chưa cân đối được thu chi, nguồn ngân sách để trả lương cho giáo viên cũng đã rất chật vật.

TS Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: “Xét một cách công bằng, nhiều năm qua, lương giáo viên không đến nỗi quá thấp so với nhiều ngành, nghề khác. Chỉ có điều, mức lương ấy so với mức sống còn chênh lệch khiến giáo viên lâm vào tình trạng lo lắng cho cuộc sống và phải dạy thêm, làm thêm”.

Vì vậy, việc tăng lương cho giáo viên là cần thiết và không ai phản đối; là cách đầu tư gián tiếp và hiệu quả cho thế hệ trẻ, cho tương lai của các gia đình, đất nước.

Tuy nhiên, do đội ngũ giáo viên hiện nay đông đảo, không thể cắt giảm, thậm chí còn phải tuyển dụng thêm khi áp dụng chương trình phổ thông mới, nên việc tăng lương cho giáo viên như ý tưởng của Bộ GD-ĐT, theo ông Trịnh Ngọc Thạch, cần tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đó là một con số quá lớn, trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao như hiện nay. Ngân sách đang rất thiếu nguồn để đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng, và rất nhiều khoản chi thiết yếu khác.

Cùng với việc tăng lương cho giáo viên, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS. Nếu điều này được thực hiện, ngân sách sẽ phải bù đắp một khoản không nhỏ; và có thể các trường sẽ tìm cách tăng thu từ phụ huynh.

Từ thực tế nói trên, nhiều đại biểu quốc hội, chuyên gia tài chính đề xuất phương án tăng lương cho giáo viên theo lộ trình, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách và có trọng điểm, ưu tiên cho các đối tượng như giáo viên mầm non, giáo viên trường chuyên biệt, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên có thành tích xuất sắc…

Dù sao, đề xuất của Bộ GD-ĐT cũng thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm với nhà giáo; thể hiện chủ trương nhất quán “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” của Đảng và Nhà nước, động viên nhà giáo phấn đấu và an tâm với nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn