MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tương Nam Đàn, món ăn truyền thống nổi tiếng của xứ Nghệ. Ảnh: QĐ

Tết cổ truyền, quyện hương thơm những món ăn truyền thống Việt

QUANG ĐẠI LDO | 16/02/2018 07:30
Tết cổ truyền, là dịp để phục hưng các giá trị văn hóa cổ truyền, trong đó có truyền thống ẩm thực Việt. Hồi ức về những món ăn truyền thống trở nên sâu đậm, da diết hơn mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Dịp tết, gói bánh chưng trở thành một việc làm quen thuộc, không thể thiếu vắng của mỗi gia đình. Mặc dù đã có dịch vụ nấu bánh chưng, rất tiện lợi và rẻ, ngon, song nhiều gia đình vẫn gói, nấu bánh chưng, để gợi lại không khí đầm ấm xưa cũ.

Tự tay gói bánh cẩn thận, để dâng cúng tổ tiên, cũng thể hiện lòng thành của con cháu. Không khí cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa ngày cận tết có cái gì đó gần gũi, thân thuộc mà thiêng liêng.

Nước mắm Cửa Hội, đặc sản Nghệ An. Ảnh: QĐ

Trong mỗi chiếc bánh chưng, bánh tét, bánh giầy...thể hiện triết lý âm dương hòa hợp, khát vọng về hạnh phúc, sinh sôi trường tồn. Vì vậy, cặp bánh chưng là món dâng cúng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày tết.

Dịp tết, bên cạnh xu hướng sử dụng các món ăn ngoại nhập, sang trọng, đắt tiền của một số gia đình giàu có, thì đông đảo người Việt vẫn thủy chung với các món ăn truyền thống. Nước mắm ngon, hồn cốt biển quê hương xứ sở, trở thành nước chấm, thức nêm quen thuộc, thành món quà biếu tết gửi bạn bè, người thân phương xa.

Nhút Thanh Chương, món ăn dân dã xứ Nghệ. Ảnh: QĐ

Dịp tết, cũng là cơ hội để những người phụ nữ trên khắp mọi miền  trổ tài chế biến các món ăn truyền thống, những loại bánh, chè, nem, chả... mà cha ông xưa đã truyền lại. Mỗi món ăn, thể hiện đức tính khéo léo, thông minh, tài hoa, tinh tế của người Việt, cũng như tình cảm trân trọng, yêu thương của người chế biến muốn gửi đến những người thân yêu.

Người Thái ở miền Tây xứ Nghệ lội xuống suối, tìm thứ rêu bám vào đá, tỉ mẩn rửa sạch, chế biến thành những món ăn ngon mời cha mẹ, dâng cúng tổ tiên trong dịp tết.

Nhiều dân tộc ở các vùng miền núi của Việt Nam bỏ biết bao nhiêu công sức chế biến món bò giàng, thịt hun khói... thành món nhắm rượu xuân tuyệt hảo.

Một Việt kiều ở nước ngoài lâu năm, nay trở về quê hương Hà Tĩnh ăn tết Mậu Tuất, chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nước, thưởng thức đủ món ăn Tây, Tàu, nhưng những hương vị mà tôi nhớ nhất, vẫn là những món dân dã thuở bé đã được bà, mẹ nấu cho ăn như canh cua, canh hến, cá rô đồng kho nghệ, cà pháo, nhút mít... Những món ăn đó như là hồn cốt của quê hương, nghèo khó mà rất đỗi ân tình”.

Nhiều người con xa xứ, không có dịp về quê đoàn tụ ăn tết, cũng nao lòng nhớ về những món ăn quen thuộc của quê hương, nhất là trong dịp tết đến xuân về. Những người Việt xa quê, vào dịp tết cũng cố gắng nấu các món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... để được sống trọn vẹn trong không khí tết truyền thống.

Thời thế, công nghệ thay đổi chóng mặt, khó lường, nhưng trong tâm thức cộng đồng, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn có sức sống bền bỉ, vượt thời gian, như sợi dây vô hình gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Hương vị của những món ăn dân dã, truyền thống, sẽ còn lan tỏa, không chỉ trong mỗi dịp tết đến xuân về.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn