MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày Tết, không có gì hơn là được sum vầy bên gia đình và những người thân yêu (Ảnh minh họa theo Dân trí )

Tết Nguyên đán nghỉ 3 ngày, tại sao không?

TÚ NGUYÊN LDO | 22/01/2017 07:44
Cứ như là “Đến hẹn lại lên”, mỗi khi hoa mai hoa đào chuẩn bị vào mủa là y như rằng những cuộc tranh luận về giữ hay bỏ Tết âm lịch, còn gọi nôm na là Tết Ta không ngừng diễn ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người trẻ, người già, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa… cùng nhau viết một truyện dài cho đến nay vẫn chưa có đoạn kết.

Từ khoảng mười năm nay không biết bao nhiêu là ý kiến trái chiều, khổ nổi ý kiến nào cũng có lý. Những người chủ trương bỏ hay gộp Tết Ta vào Tết Dương lịch hay Tết Tây đa phần là những người trẻ; người có thời gian sống ở nước ngoài làm việc hay du học hoặc những người đang làm việc tại các cơ quan doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Ngược lại những người có tuổi lại cảm thấy như hụt hẫng, mất đi một “quá khứ’ vàng son trong cuộc đời với bao cái Tết Ta vui buồn đã ăn sâu vào tiềm thức mà không thể ngày một ngày hai dễ dàng đồng ý để nó mất đi.  

Thực tế Tết Ta cũng không tránh khỏi đôi điều bất cập. Nguyên nhân chính là thời gian nghỉ tết quá lâu ngày ảnh hưởng nhiều đến việc đình trệ  sản xuất, mất cơ hội kinh doanh với đối tác nước ngoài, mất ngày công trong nông nghiệp, mất thời gian học hành sinh viên học sinh… Chẳng những thế mà nhiều người lợi dụng việc thăm hỏi nhau trong thân tộc, họ hàng,  bạn bè phát sinh nạn bia rượu, say xỉn gây ra nhiều hệ lụy đánh nhau, tai nạn giao thông tăng cao.  

Cực đoan hơn có người cho rằng không cứ gì mà giữ mãi một cái tết được xem là truyền thống nhưng lại không phải xuất phát từ cội nguồn của dân tộc mà lại vương vấn trong mỗi con người Việt một thời bị đô hộ; hay một đất nước mà con người không dám mạnh dạn bỏ đi cái không còn hữu dụng để tiến về phía trước thì khó mà tiến bộ, vươn tới hùng cường; không lý do gì chỉ còn lại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc mãi tới năm 2017 vẫn còn mặn mà với Tết Ta, trong khi một số nước chung quanh ta đã “hội nhập” Tết Tây từ lâu rồi như Nhật Bản từ năm 1872 chẳng hạn.

Thế nhưng khi hội nhập (bỏ hoặc gộp Tết Ta) vào Tết Tây người Việt có phải đã quay về cái Tết truyền thống hay không? Hay chỉ vì mang mác hội nhập nên “ai làm sao ta làm vậy” mà chẳng có một định hướng về lâu về dài cũng như không cần một lộ trình thời gian để thực hiện đúng nghĩa cái Tết của ta.

Ngoài những bất cập không mong muốn, Tết Ta theo tôi mới đích thực là Tết truyền thống văn hóa của dân tộc. Xin được mở ngoặc đơn ở đây khi hiểu về một truyền thống đích thực. Nó không câu nệ từ xuất phát điểm và được hình thành từ lâu đời, hàng nghìn năm; điều quan trọng là nó thể hiện được tính nhân văn, bản sắc  vùng, miền, quốc gia; vừa giữ gìn đạo đức, văn hóa vừa thúc đẩy sự đi lên của dân tộc. Điều này đã được ghi nhận qua Tết Ta với: Tết sum vầy, Tết yêu thương, Tết sẻ chia, Tết đầm ấm, Tết cho người nghèo.

Ở một góc nhìn khác, Tết Ta là động cơ thúc đẩy mọi người làm việc, tạo thu nhập nhất thời cho nhiều thành phần, nhiều ngành nghề  trong xã hội, làm ra của cải vật chất lẫn tinh thần phục vụ  cho bản thân và cống hiến cho xã hội; là niềm hy vọng cho trẻ, già, trai, gái sau 12 tháng trời cật lực lao động ròng rã đợi mong.

Tết Ta, cũng như những ngày lễ lớn khác trong năm, với hàng loạt ngày nghỉ là một tính toán khoa học thúc đẩy tiêu dùng trong xã hội tạo ra sự năng động cung cầu, kích thích tăng trưởng nền kinh tế đất nước.

Và có một điều ngộ nhận, không ít người cho rằng cách ăn Tết Ta quá lâu. Thực ra sau Tết là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội; chính lễ hội liên tục với  nhiều biến tướng làm cho ít, nhiều người ngộ nhận, đồng hóa nó với Tết Ta mà có cái nhìn không mấy thiện cảm.

Cũng là có người muốn gộp Tết Ta vào ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 để vừa có ý nghĩa vừa đạt được chính danh Tết truyền thống dân tộc, không phụ thuộc vào Tết Trung Quốc cũng như Tết Tây.

Theo tôi trong một thế giới phẳng chúng ta không thể không đổi mới để hội nhập để tiến bộ, nhưng việc bỏ hay gộp Tết Ta ngay bây giờ là việc làm quá sớm. Những quan điểm trái chiều quanh đi quẩn lại vẫn chưa đạt được sự đồng thuận của xã hội. Ngay cả việc mỗi năm số ngày nghỉ Tết được Bộ Lao động Thương binh và xã hội đề nghị nhiều phương án và mỗi năm mỗi khác. Điều này cho thấy những phương án chỉ có tính khả thi mà chưa có tính tối ưu.

Thực tế ghi nhận Tết Ta có ý nghĩa quan trọng và đầy đủ nhất chỉ diễn ra khoảng đôi ba ngày, những ngày còn lại là không cần thiết, lãng phí. Vậy nên chăng một giải pháp tối ưu cho việc bỏ hay gộp Tết Ta bằng một giải pháp nghỉ Tết Ta 3 ngày, tại sao không?            

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn