MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong hơn 3 ngày đầu nghỉ Tết, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là hơn 2.200 trường hợp. (Ảnh minh họa theo báo Tài nguyên môi trường)

Tết - vì bia rượu ẩu đả?

TÚ NGUYÊN LDO | 02/02/2017 07:20
Dư luận không khỏi bức xúc trước thông tin tổng hợp của Bộ Y tế: Trong 3 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (tính từ ngày 30, mồng một và mồng 2) có 2.203 ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong đó có 990 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, và có tới 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ Tết Bính Thân năm 2016, số ca tăng 231, số người chết tăng 4.
Tuy chưa có thông tin chính xác về nguyên nhân ẩu đả nhưng ngày tết gắn liền với bia, rượu nên ngoài những nguyên nhân khác, không thể loại trừ nguyên nhân này.

Thống kê một công ty nghiên cứu thị trường ghi nhận năm qua, người Việt ta tiêu tốn hơn 9 tỉ USD cho bia, rượu. Điều này không làm thay đổi một thực trạng trong nhiều năm qua: Việt Nam được xếp vào hạng là một trong những quốc gia uống bia, rượu nhiều nhất thế giới, đứng thứ nhất Đông Nam Á trong khi thu nhập lại đứng hàng thứ 8; thứ ba Châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Thực tế ghi nhận mức độ uống bia, rượu của người Việt cao nhất trong các dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội; các cuộc ẩu đả cũng tăng cao theo đó. Nhiều chuyên gia khẳng định, chính bia, rượu là nguyên nhân trực tiếp gây ra.

Tết Nguyên đán là dịp để anh em, họ hàng thân tộc, bè bạn thăm nhau. Sau những lời chúc tụng hay, đẹp có ý nghĩa là sự thể hiện “chất đàn ông”, một hai ba “dzô”. Rượu vào lời ra, chín người mười ý và dưới sự “hỗ trợ” của chất  “ma men” bia, rượu, chuyện thượng cẳng tay, hạ cẳng chân là có thể.

Bia, rượu cũng làm cho văn hóa giao thông trở nên xấu xí hơn khi mà chỉ cần một va quẹt nhỏ cũng đủ để những người điều khiển phương tiện giao thông hành xử thiếu văn minh.

Vẫn biết ngày tết, theo phong tục Việt rất kiêng cữ việc lớn tiếng cự cãi nhau, càng tránh hơn nữa việc ẩu đả nhau. Một thực trạng cần phải được xã hội phê phán, đàn ông Việt khi càng nhiều bia, rượu càng dễ dàng đưa đến việc ứng xử kém, mất kỹ năng xử lý tình huống; chỉ cần một lời nói khích, một va chạm nhỏ là sẵn sàng ứng xử với nhau bằng bạo lực, nhất là những người trẻ. Hậu quả ngoài bản thân những người gây ra, gia đình xã hội bị liên đới trách nhiệm về vật chất, tinh thần là chuyện đương nhiên.

Vấn đề kiểm soát bia, rượu đã được đặt ra như trong lãnh vực an toàn giao thông có Nghị định 46/2016/ND-CP với mức phạt khá cao cho người vi phạm nhưng có lẽ chưa cao để đủ sức răn đe.

Những chính sách đồng bộ khác như chính sách thuế và giá, theo tôi thì vẫn chưa có tính khả thi, chưa có hiệu quả cao. Thuế tiêu thụ đặc biệt của bia năm 2016 là 55%, sẽ tăng dần 60% năm 2017, và 65% năm 2018.Trong khi ở các nước trên thế giới như Thụy Sĩ, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản…, bia rượu là mặt hàng đắt đỏ nhất thì ở Việt Nam lại có giá rẻ nhất. Ngoài ra một số biện pháp khác như kiểm soát giờ bán bia, kiểm soát quảng cáo, kiểm soát bia trong ngày tết, lễ hội… cũng chưa đi vào thực tế đời sống xã hội.

Ngày nào các biện pháp kiểm soát bia, rượu chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe; ngày nào chúng ta chưa thấy được tác hại của bia, rượu lớn như thế nào đối với con người và xã hội thì vẫn còn những hệ lụy không nhỏ, không mong muốn xảy ra từ cá nhân, gia đình đến cộng đồng, một trong nhiều tác nhân gây bất ổn xã hội, là lực cản trong việc phát triển mọi mặt đất nước hiện tại cũng như tương lai.

(*) Bài viết có sử dụng số liệu từ nguồn trithucvn.net  

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn