MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thạc sĩ không biết viết văn bản, trước hết là lỗi của hệ thống giáo dục.

Thạc sĩ không viết được văn bản, trước hết là lỗi của hệ thống

Tường Minh LDO | 06/12/2017 09:03

Bộ GDĐT đang tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi trước khi trình Chính phủ, trong đó có một nội dung quan trọng là sẽ không phân biệt bằng đại học chính quy hay tại chức.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng đây là một đề xuất hay, có tính nhân văn, công bằng và phần nào giúp sinh viên chữa được căn bệnh “ảo tưởng về bằng cấp” thì không ít ý kiến không đồng tình.

Luận cứ của “phe” không đồng tình là thực tế, chất lượng dạy và học của hệ tại chức là một trời một vực so với hệ chính quy. Tệ hơn, đó là kiểu dạy và học cho có, để hợp thức hóa việc “chạy” một chỗ tốt bằng tiền hoặc quan hệ cá nhân trong hệ thống cơ quan nhà nước.

Bằng chứng thì nhiều, nhưng mới nhất là ở Quảng Ngãi, một lượng lớn trong số hơn 10 ngàn thạc sĩ nhưng học tại chức của tỉnh này đang là cán bộ nhà nước bị buộc phải học lại đại học chính quy nếu muốn được lên chức hoặc bổ nhiệm.

Họ là nạn nhân của một quá trình nhận thức: Không đậu chính quy thì chấp nhận mất nhiều tiền hơn để đi học tại chức. Học tại chức xong (thường) không xin được việc làm (phần lớn là do tấm bằng tại chức) thì… đi học thạc sỹ. Học thạc sỹ xong mà vẫn chưa xin được việc, nếu nhà có điều kiện thì làm tới luôn… tiến sỹ!

Để rồi thực tế, nói trắng ra như ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi là: “Tiếng là thạc sĩ nhưng viết văn bản không được thì lãnh đạo kiểu gì?". 

Thạc sĩ đi lên từ tại chức không biết viết văn bản tất nhiên không phải là chuyện riêng của Quảng Ngãi, mà là chuyện chung của cả nước.

Nhưng việc ai đó không biết viết văn bản nhưng vẫn cứ là thạc sĩ, thì lỗi đầu tiên không phải do họ mà do hệ thống giáo dục đang rất có vấn đề của chúng ta.  

Mặt khác, cũng không phải ai là thạc sĩ đi lên từ tại chức, thậm chí tệ hơn là từ xa cũng không biết viết văn bản. Nhiều trong số họ là những cán bộ có năng lực thực sự đã và đang cống hiến hết mình trong từng vị trí công tác được giao phó.

Hãy tạo sự công bằng bằng cách ủng hộ chủ trương không phân biệt tại chức và chính quy của Bộ GDĐT. Và gốc rễ của mọi vấn đề là hãy tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ bằng những bài test về năng lực chuyên môn thay vì ưu tiên cho bằng cấp!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn