MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dùng cả nón bảo hiểm đập nhau khi giật cô hồn (ảnh cắt từ clip/kenh14.vn).

Tháng 7 Âm lịch cúng cô hồn và… cướp cô hồn

Thế Lâm LDO | 31/08/2018 14:56
Vụ một thiếu niên (T.H.S, 15 tuổi, quận 10, TP.HCM) canh giữ đồ cúng cô hồn tại nhà bị một thiếu niên chuyên đi giật mâm cúng cô hồn đâm vào cổ gây thương tích nặng thực ra chỉ là một trường hợp điển hình trong rất nhiều vụ giật đồ cúng cô hồn có tính bạo lực hiện nay.

“Giật đồ cúng cô hồn” là một cách nói dân gian. Tháng 7 Âm lịch, theo tín ngưỡng dân gian, nhà nhà đều cúng cô hồn, cúng xong để đó hoặc rải ra trước nhà ai muốn nhặt, lấy, thậm chí giật với nhau thì tùy.

Nhưng nét sinh hoạt văn hóa dân gian “giật đồ cúng cô hồn” ngày xưa có nét gợi nhớ những kí ức đẹp thời thơ bé, người cúng cũng tự nguyện cho và người “giật” cũng vui vẻ với nhau chứ không đến mức tranh giành sứt đầu mẻ trán.

Nhưng bây giờ khác rồi…

Không phải là “giật” nữa mà là cướp.

Vụ em T.H.S giữ đồ cúng cô hồn tại nhà, bị thiếu niên tên Ph xông vào giật và gây ra cự cãi rồi đâm vào cổ em S, là trường hợp rất tiêu biểu về tình trạng “cướp cô hồn” hiện nay.

Ph không đi một mình, mà có băng nhóm đi cùng. Những băng nhóm thiếu niên như thế khá phổ biến tại TPHCM trong tháng 7 Âm lịch, đặc biệt là trong các khu dân lao động, khu vực nhiều nhà xưởng, xung quanh các chợ hoặc tiệm/cửa hàng… Thường cứ tới tháng 7 Âm lịch lại cúng cô hồn, nhiều gia chủ còn cúng lớn, không chỉ có bánh trái, thịt thà mà còn cả tiền mặt hàng chục triệu đồng.

Song nét văn hóa tín ngưỡng dân gian này đã bị méo mó vì những băng nhóm tự phát như thế. Ở nhiều khu vực, chúng chia nhau đi xe máy rảo quanh các khu phố, khi phát hiện nhà nào chuẩn bị cúng cô hồn là cử một người ở lại “cắm chốt” để “giành đất” tránh cho băng nhóm khác tới “xí phần”.

Khi băng nhóm có mặt đầy đủ, gia chủ mang đồ lên còn chưa kịp cúng có thể đã bị chúng hè nhau nhảy vào cướp mang đi. Nhiều gia chủ chỉ còn biết há hốc mồm vì không kịp trở tay.

Mới đây, một clip được tung lên mạng còn cho thấy, đám đông vì tranh nhau giật đồ cúng cô hồn mà xô đẩy, chen lấn rồi dùng cả mũ bảo hiểm đánh vào đầu đối phương tạo nên khung cảnh hỗn loạn và bạo lực.

Thói bạo lực, hung hãn và tính chất cướp giật đã len vào một loại sinh hoạt tín ngưỡng dân gian từ bao giờ, khiến cho việc cúng cô hồn cũng không còn giữ được như nguyên bản. Cúng cô hồn là cúng mở để phân phát cho vong hồn thập loại chúng sinh, thì nay nhiều nhà phải đóng cửa cúng để phòng tình trạng cướp giật gây ra bạo lực, thậm chí máu me.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn