MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bìa cuốn sách mới ra mắt (xuất hiện trong đề thi) của Đặng Hoàng Giang.

“Thấu cảm” và sức lan tỏa ngoài mong đợi của một đề thi

Thủy Lâm LDO | 26/06/2017 11:49
Hai chữ “thấu cảm” trong đề thi ngữ văn kì thi THPT Quốc gia 2017 đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội, đặc biệt nó xuất phát từ ý kiến của nhiều "cây đa, cây đề” nên càng gây nên nhiều làn sóng dư luận. Từ góc nhìn của một người đọc bình thường và từ góc nhìn của một học sinh đang đi thi, xin được chia sẻ vài ý kiến nhỏ như sau.

Phải chăng không ít người đang kêu ca thay cho cái điều mà người khác không có?

Dư luận phản ứng dữ dội về từ “thấu cảm”, họ cho rằng đây là từ mới, không có trong từ điển, khó hiểu… không nên xuất hiện trong đề thi vì thiếu tính ổn định và gây khó khăn cho người làm bài. Qua việc trực tiếp chứng kiến thái độ của các em học sinh khi nhận đề và làm bài khi bản thân làm nhiệm vụ coi thi, và qua phản hồi của học sinh, đồng nghiệp nhiều vùng miền trên cả nước cho thấy, bản thân thí sinh - người trong cuộc - không kêu ca gì về đề thi.

Thậm chí, khá nhiều em học sinh cho rằng đề năm nay dễ và thấy hào hứng khi viết về sự "thấu cảm".

Tất nhiên, đó không phải là căn cứ chủ yếu để có thể kết luận từ “thấu cảm” không khó hiểu đối với thí sinh làm bài. Với một người đọc thông thường (mặt bằng chung của xã hội), từ thấu cảm không phải là từ chưa từng nghe, hoặc giả sử nếu lần đầu tiên nghe đến thì người ta vẫn có thể hiểu được nghĩa của nó ngay bằng cách đơn giản nhất là hiểu hai từ: Thấu và cảm (cảm xúc) giống như họ từng hiểu từ “thấu hiểu” để có thể hiểu ít nhiều về từ này.

Tuy nhiên ở đây, đề thi đã giải thích rõ “thấu cảm” là gì, vì thế người chưa biết sẽ có cơ hội để biết, học sinh đã từng nghe và biết từ này nhưng chưa hiểu rõ thì có cơ hội để hiểu rõ hơn. Các em không chỉ biết thêm một từ ngữ mà còn hiểu thêm một khả năng dẫn đến lòng trắc ẩn của con người trong cuộc sống.

Sức lan tỏa ngoài mong đợi của một đề thi

Nếu như ai đó thấy dị ứng với một văn bản trích dẫn từ một cuốn sách mới, của một gương mặt mới, lại không phải là một “cây cao bóng cả” thì bản thân tôi lại thấy đây là một xu hướng dân chủ và “mềm” trong việc chọn văn bản để đọc hiểu. Đoạn trích chủ yếu được hỏi xung quanh vấn đề “thấu cảm” trong cuộc sống hiện đại ngày nay nên cũng đừng nên quá câu nệ bắt bẻ từng từ từng chữ kiểu “chẻ câu thơ làm ba làm tư” như một số người đang làm để phê phán Đặng Hoàng Giang và người ra đề. Chọn sự “thấu cảm” để bàn bạc trong khi xã hội đang dần thiếu sự cảm thông, chia sẻ và lòng trắc ẩn thay vào đó là sự thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm dần lên ngôi là sự lựa chọn hay, thích hợp, có tính thời sự và rất giàu ý nghĩa.

Sự chưa hoàn hảo (nếu có) của một vấn đề được đưa ra cũng là cơ hội cho thí sinh được tự do bày tỏ thêm ý kiến của mình. Ví dụ như nói đến sự thấu cảm, học sinh có thể phản biện thêm, bổ sung thêm cho vấn đề rằng: Sự thấu cảm không có nghĩa là chúng ta bao che, dung túng cho những hành vi xấu, ác (trái đạo đức, pháp luật) của người khác.

Có thể nói, cũng nhờ những phản ứng của dư luận về từ “thấu cảm” mà sức lan tỏa của đề thi đã ra được cả ngoài phòng thi, đến được với nhiều người, giúp nuôi dưỡng và phát triển những tình cảm tốt đẹp của mỗi cá nhân và xã hội. Xin đừng mỉa mai nữa, mà hãy nhìn nhận từ góc nhìn tích cực với văn bản của Đặng Hoàng Giang trong đề thi để sự lan tỏa này sẽ trở nên tốt đẹp và đáng trân trọng.   

Không có điều gì là tuyệt đối, văn học lại càng khó tuyệt đối hơn cả trong các khoa học bởi đặc trưng cơ bản nhất của nó là tính hình tượng. Thiếu sót và tính chưa hoàn hảo trong một đề thi không phải là không thể có, nếu săm soi từng li từng tí. Song, hãy thận trọng, cân nhắc và nhẹ nhàng trong góp ý bởi tác dụng tích cực với dư luận và học sinh thì rất nhỏ mà hệ lụy thì khó lường, bởi người lớn và số đông hùa theo sẽ khiến các em mất lòng tin và thấy hoang mang trước một đề thi, cái trong tâm thức của các em và phụ huynh phải luôn đáng tin cậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn