MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với cô Trần Thị Bích Liên (trái ảnh), món quà 20.11 ý nghĩa nhất là học sinh cũ vẫn nhớ tới mình. Ảnh: B.H

Thầy cô mong nhận quà gì Ngày Nhà giáo?

Đặng Chung LDO | 20/11/2017 17:16
Một mùa hiến chương nữa lại đến, sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn, nếu giáo viên nhận được món quà là sự trưởng thành của học trò, chia sẻ của phụ huynh và những đãi ngộ tương xứng để thầy cô có thể yên tâm theo nghề.

Mong phụ huynh chia sẻ cùng thầy cô!

30 năm trong nghề, chứng kiến nhiều thay đổi của xã hội, cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, chưa bao giờ hối hận khi theo đuổi nghề “gõ đầu trẻ”.

Món quà 20.11 cô nhớ nhất là những ngày mới vào nghề, học sinh tự làm thiệp, gửi qua khe cửa sổ để tặng cô, nét chữ còn vụng về “Con yêu cô lắm”.

Hay những học sinh cũ, đã xây dựng gia đình, mỗi năm đến 20.11 lại bồng bế con về thăm cô. Chỉ cần nghe học trò khoe về công việc, với cô Liên đó là những bó hoa đẹp nhất, ý nghĩa nhất.

Cô ước nguyện gì trong dịp cả nước tri ân thầy cô giáo? Khi được hỏi, cô Liên trả lời: “Tôi chỉ mong mỏi phụ huynh hãy chia sẻ với giáo viên.

Giờ đây, phụ huynh suy nghĩ thực dụng hơn, như phải tặng các thầy cô món quà gì đắt tiền hay phong bì bao nhiêu. Khi xảy ra điều gì, phụ huynh thường chỉ kêu ca, lên mạng xã hội để tố các thầy cô giáo.

Điều này chính là một áp lực với đội ngũ nhà giáo trong xã hội hiện đại. Chúng tôi không cần quà cáp, chỉ mong phụ huynh chia sẻ, phối hợp với nhà trường, với giáo viên chúng tôi để dạy dỗ con em mình nên người”.

Tiền lương phải đảm bảo mức sống

Mỗi năm đến ngày hiến chương các nhà giáo, cả xã hội lại dành những lời chúc tốt đẹp để tri ân công ơn của thầy cô.

 Món quà 20.11 của cô Vũ Thảo Viết (giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC

Đối với những người công tác ở thành phố, gia đình phụ huynh có điều kiện, có thể tri ân bằng những món quà đắt tiền. Còn với rất nhiều thầy cô đang đứng lớp ở những vùng cao, nông thôn, món quà 20.11 đôi khi chỉ có giá trị tinh thần.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải rất nhiều tấm gương nhà giáo vượt khó để “gieo chữ”. Các thầy cô được ca ngợi như những con người cao cả, khi đồng lương giáo viên chưa đảm bảo chi tiêu, vẫn nhận cưu mang, đỡ đầu rất nhiều học trò nghèo.

Cùng với đó là câu chuyện về những nhà giáo 30-35 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, khi về già phải nhận những đồng lương hưu bèo bọt. Hình ảnh người giáo viên cả cuộc đời nghèo khó đã khiến rất nhiều giáo viên trẻ lo lắng về tương lai của mình.

GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng, món quà ý nghĩa nhất, thiết thực nhất cho thầy cô, không gì bằng việc nâng cao vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại, trước mắt cần có cơ chế đãi ngộ về lương.

Chế độ cho giáo viên dù thay đổi thế nào thì trước hết thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trung bình trong tương quan xã hội. Không thể bắt thầy cô vì theo nghề thanh cao mà phải sống sống thanh bần!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn