MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thầy Văn Như Cương: Người gieo mầm khát vọng

ĐĂNG TRUNG LDO | 11/10/2017 09:49
Sinh thời, thầy Văn Như Cương có ước nguyện, toàn bộ số tiền phúng điếu sẽ được dành để xây trường tặng học trò nghèo vùng cao, một phần còn lại đưa vào Quỹ Tình thương của nhà trường để tiếp tục hỗ trợ các mảnh đời kém may mắn. 

Gia đình thầy cho biết, sẽ thực hiện ước nguyện sau cùng này của thầy. Trước lúc đi xa, thầy vẫn dành cho giáo dục, cho thế hệ trẻ một tình yêu thương, sự chia sẻ và một thông điệp đầy tính nhân văn.

PGS Văn Như Cương (1937 - 2017). Ảnh: PTV
Những ngày trên giường bệnh, thầy Văn Như Cương vẫn tha thiết muốn trở lại trường Lương Thế Vinh một lần, để nói lời chào các em học sinh. Suốt đời thầy cống hiến cho giáo dục, cho tương lai thế hệ trẻ của đất nước. Ngôi trường Lương Thế Vinh mà thầy đã dành bao tâm huyết để xây dựng đã thực sự trở thành một môi trường tốt để chắp cánh cho nhiều thế hệ học sinh, vững tin bước vào tương lai. Thầy có hạnh phúc của người gieo hạt và người hái quả.

Thầy Văn Như Cương trao đổi với thế hệ trẻ: “Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công”. Thầy cũng có nhiều khuyến cáo về “bệnh lười” của một bộ phận học sinh, giới trẻ ngày nay. Cả cuộc đời thầy là tấm gương về sự nỗ lực, lao động miệt mài, với nhiều thành quả sáng tạo; không bao giờ chùn bước, mà còn vươn lên trong khó khăn.

“Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác, nhưng nhất thiết phải làm người tử tế”, là thông điệp giản dị, sâu sắc mà thầy Văn Như Cương gửi tới các thế hệ học trò. Làm người tử tế, tưởng đơn giản, bình thường mà vô cùng khó. Bởi vì, đây là cái thuộc về đời thường, tự giác, tự nhiên, do tự cái tâm mình điều chỉnh mình chứ không có các thiết chế ràng buộc. Người tử tế, cũng là người tốt, người trung thực và cao thượng, là nền tảng nhân cách để mỗi người vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp của mình.

“Tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều hơn tuổi 17 bây giờ”, là một sự phản tỉnh sâu sắc của thầy Văn Như Cương. Mặc dù là người thầy tiền bối, tri thức uyên bác, có nhiều thành tựu trong học thuật, thầy vẫn rất khiêm tốn và tự đặt ra mục tiêu luôn học hỏi, phấn đấu, để bắt nhịp với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, để không lạc điệu với thế hệ trẻ. Đây là điều lý giải vì sao có một thầy Văn Như Cương dù tuổi cao, song vẫn rất tươi trẻ, hiện đại, tiên phong, và được thế hệ trẻ yêu mến, kính trọng, và trở thành một người thầy truyền cảm hứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn