MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tượng Bà Chúa Xứ thứ hai được xây dựng trên núi Sam (ảnh: dantri.com.vn).

Thêm tượng Bà Chúa Xứ sẽ mài mòn tín ngưỡng dân gian

Thế Lâm LDO | 27/02/2018 11:48
Tín ngưỡng tâm linh trong dân gian thường gắn với một sự tích, truyền thuyết hay câu chuyện… Tượng Bà Chúa Xứ trên núi Sam cũng gắn với một truyền thuyết. Và câu chuyện ấy, có một không hai.

Vậy tại sao lại phải có đến hai tượng Bà Chúa Xứ, hay nói cách khác là vì sao lại phải xây tượng Bà Chúa Xứ thứ hai?

Tín ngưỡng tâm linh của dân gian thường đã đặt ở một nơi nào đó, thì chỉ nơi đó, cho dù ngày thường hay ngày lễ, tháng đầu năm hay tháng tết, người dân cũng chỉ hành hương về địa chỉ đó. Bởi đó không chỉ có bức tượng, mà còn gắn với một địa điểm, từ xa xưa người dân tự phát dựng nên chính từ tín ngưỡng tâm linh trong lòng mình.

Điều đó hoàn toàn khác với việc dựng tượng Bà Chúa Xứ thứ hai trong khuôn khổ một dự án xây dựng cáp treo có kế hoạch, tính toán trên cơ sở kinh doanh chứ không xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đa số người dân.

Bởi ngay về thủ tục lấy ý kiến người dân cũng đã bị bỏ qua. Qui hoạch chi tiết 1/500 dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ núi Sam đã không có hạng mục xây dựng tượng Bà thứ hai trên núi Sam. Theo chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã tự tiện làm việc này. Thế nhưng cũng lại chính cơ quan quản lí văn hóa, du lịch tại địa phương đã đề nghị Bộ VH-TT&DL chấp thuận cho xây dựng.

Dân gian có cách nói đại ý rằng “quá nhiều thần thì bớt thiêng”. Việc xây dựng tượng Bà Chúa Xứ thứ hai, rồi biết đâu thêm tượng thứ ba, thứ tư… trong tương lai, sẽ mài mòn tín ngưỡng tâm linh trong dân gian trong khi đó thực sự là một loại niềm tin trong trẻo, hướng thiện; một nét văn hóa rất riêng của vùng núi Sam mà không lẫn với những khu vực khác và lễ hội khác.

Tượng Bà Chúa Xứ thứ hai đang dang dở vì bị tạm đình chỉ xây dựng chính là sự báo động về tình trạng kinh doanh trên tín ngưỡng tâm linh của người dân. Tình trạng này đang có xu hướng lạm phát, bị “nhân bản” ở nhiều nơi bất chấp nguyên bản, nguồn gốc của sự tích hay truyền thuyết thường phải gắn với các yếu tố địa, linh, nhân, kiệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn