MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong một lớp học, khó có thể tất cả học sinh đều giỏi như nhau. Vì thế, mỗi lần thi giáo viên giỏi, một số em học yếu hơn thường bị chuyển tạm sang lớp khác. Ảnh: Nguyễn Hùng

Thi giáo viên giỏi và chuyện chuyển-mượn học trò

Nguyễn Hùng LDO | 07/01/2018 16:57
Để có kết quả thi giáo viên giỏi khả quan hơn, nhiều học sinh bị đánh giá là yếu, hoặc “không an toàn” bị tạm chuyển sang lớp khác; đổi lại, các em học sinh giỏi và ngoan ở các lớp khác được “mượn” để trám vào số bị tạm điều chuyển đó. 

Tổ chức những cuộc thi như thế để làm gì, khi mà ngay từ đầu đã không có sự trung thực từ chính những người làm giáo dục? 

Ngày mai, cô giáo chủ nhiệm thi giáo viên giỏi cấp thành phố, cô con gái học lớp 1 tại một trường tiểu học của TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về hồn nhiên khoe với bố, mẹ: “Sáng mai con cùng 7 bạn nữa sẽ chuyển sang lớp khác”.

Có lẽ phải nhiều năm nữa bọn trẻ mới hiểu vì sao lại như thế!. Trước giờ thi của cô, “nhân sự” trong lớp đã được an bài: 8 gương mặt thân quen đã được thay thế bằng 8 gương mặt lạ lẫm nhưng được đánh giá là có học lực tốt hơn. Bọn trẻ còn lại chắc cũng chẳng hiểu vì sao lại xuất hiện các bạn từ lớp khác trong lớp của mình, còn một số bạn cùng lớp thì lại vắng mặt; nhưng đàn anh, đàn chị đang học cấp 2 nghe chuyện thì hiểu liền bởi đã trải qua giai đoạn đó.

Ban giám khảo, trong đó có những cán bộ, chuyên viên từ trên phòng giáo dục-đào tạo thành phố, có lẽ cũng chẳng lạ gì với “chiêu trò” thi giáo viên giỏi lâu nay, nhưng chắc chỉ cần nắm sĩ số học sinh trong lớp, chứ mấy ai quan tâm những học sinh nào được “mượn” từ lớp khác.

Một cuộc thi nghiêm túc luôn cần mọi khâu, quy trình nghiêm túc, trong đó ít nhất phải xác minh được học sinh của lớp đích thực gồm những ai? Việc này cực kỳ đơn giản, nhưng căn bệnh thành tích đã dẫn tới những cuộc chuyển – mượn học sinh như thế ở các cuộc thi giáo viên giỏi, mà chính các thầy, cô và phụ huynh đều biết.

Hỏi một số phụ huynh, giáo viên ở các địa phương khác, được biết, tình trạng thi kiểu trên cũng không còn gì xa lạ.

Một lớp học tất nhiên phải có em nọ, em kia – không thể đồng đều ngoan và giỏi như nhau. Vấn đề là thầy, cô dạy dỗ các em thế nào, cho dù chỉ qua một buổi, thậm chí cả cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố, không đánh giá hết được năng lực của các thầy, cô.

Trước đây, thi giáo viên giỏi, vẫn thường có chuyện thầy-cô chủ nhiệm yêu cầu khi được hỏi thì cả lớp giơ tay để đẹp đội hình, nhưng không có chuyện tạm “chuyển”, “nhượng” học sinh.

“Đẩy” tạm các em có học lực kém hơn, hoặc học sinh cá biệt sang lớp khác, với hi vọng kết quả thi của các thầy, cô sẽ tốt hơn, là một cách phản giáo dục của những người làm giáo dục. Những người quản lý giáo dục, những thầy, cô hàng ngày vẫn đứng trên bục giảng, dạy các em những điều hay lẽ phải sẽ nghĩ gì khi những việc làm không trung thực của mình.

Những cuộc thi như thế cũng chẳng khác gì những trận bóng đá được dàn xếp tỉ số. Vậy thì thi làm gì?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn