MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh đội mưa tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: PV

Thi THPT quốc gia: Chỉ còn chờ điểm môn Ngữ văn

QUANG ĐẠI LDO | 30/06/2018 10:32
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã kết thúc, với nhiều sóng gió dư luận về đề khó, đánh đố thí sinh, sự bất cập của kì thi “hai trong một”. Đối với thí sinh, điều mong mỏi nhất là điểm thi, cụ thể là duy nhất môn Ngữ văn.

Trừ Ngữ văn, tất cả các môn thi THPT quốc gia 2018 đã được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm, chấm bằng máy. Sau khi thi xong, có đáp án, thí sinh đối chiếu và biết được số điểm chính xác, không cần phải chờ công bố.

Trừ một số trường hợp trục trặc do tô mờ, máy lỗi, tẩy xóa không đúng cách sẽ được xử lý thủ công, thí sinh có thể chấm điểm đúng cho bài làm của mình.

Như vậy, điểm thi mà thí sinh chờ đợi chỉ còn tập trung ở môn Ngữ văn. Bộ GD-ĐT cho biết, môn này sẽ được chấm hai vòng độc lập như thông lệ, bảo đảm khách quan.

Tuy nhiên, thí sinh vẫn không yên tâm bởi đề thi môn Ngữ văn năm nay được đánh giá là quá khó, có một số nội dung còn băn khoăn, tranh cãi trong giới chuyên môn.

Đáp án môn Ngữ văn của Bộ GD-ĐT công bố cũng gây thất vọng, bởi chung chung, không rõ ràng, cụ thể. “Bộ tuyên bố đáp án mở. Nhưng “mở” không có nghĩa là chung chung, mơ hồ, không có định hướng. Đáp án bao giờ cũng phải rõ ràng, chi tiết. Điều này làm thí sinh hoang mang, vì kết quả phụ thuộc rất lớn vào “cái tôi”, sự ngẫu hứng của giám khảo”, thầy Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh) nhận định.

Ngọc Mai (TP Vinh, Nghệ An) vừa thi xong THPT, cho biết: “Em thi môn Ngữ văn, hai giám thị mỗi người hướng dẫn một kiểu, làm em mất 10 phút viết lại bài thi. Cuối giờ thì thúc giục liên tục làm bọn em rất căng thẳng. Bây giờ xem đáp án chung chung, không thể biết là được bao nhiêu điểm”.

Trước đây, do đáp án không rõ ràng, nhiều giám khảo rất đau đầu khi phải tự đánh giá một cách chủ quan, cảm tính. Thậm chí đã nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa các giám khảo về quan điểm đánh giá.

Để an toàn, một số giám khảo đã chọn phương án “đãi cát tìm vàng”, nghĩa là chỉ cần trong bài có một vài từ, ý na ná đáp án là cho điểm, với quan điểm “tạo điều kiện” cho thí sinh và tránh kiện cáo phức tạp.

Nếu mô hình đề này vẫn tiếp tục ở năm sau, việc dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng quay cuồng chạy theo đề thi.

Sự “phập phù” của đề bài, mơ hồ của đáp án cho thấy bộ phận ra đề cũng rất lúng túng vì phải dung hòa giữa hai mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Điều này cho thấy bất cập lớn của kỳ thi, đã đến lúc phải xem xét thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn