MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đặng Huy Đông (ảnh: Đức Trung - nguồn: http://www.mpi.gov.vn).

Thứ trưởng nói hay lắm, vậy hãy làm rõ đi!

Thế Lâm LDO | 24/08/2017 15:14

“BOT chứa đựng rủi ro tham nhũng lớn nhất” - đây là lời của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đặng Huy Đông trả lời báo chí bên lề cuộc tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức.

Nếu chỉ xét riêng về ý này thì đúng với “tâm tư” của người dân hiện nay lắm, thưa Thứ trưởng!

Đặc biệt là sau trường hợp nổi cộm BOT Cai Lậy dựng ra tới 2 trạm thu phí trên đường tránh và cả Quốc lộ 1A khiến người dân bức xúc phải dùng đến chiêu “tiền lẻ qua trạm” gây ách tắc lưu thông.

Thứ trưởng nhìn nhận về các yếu tố, những ngóc ngách có thể chưa chặt chẽ, hoặc nếu sơ hở, thì khả năng xảy ra rủi ro tham nhũng rất lớn.

Khi mà những báo cáo thống kê để lập dự án BOT giao thông hầu như chỉ từ một phía chủ đầu tư, và những con số được đưa ra từ một phía đầy chủ quan mặc nhiên được xem là khách quan, là chuẩn mực về số liệu báo cáo đánh giá, không có những cơ quan, tổ chức thực sự đủ uy tín để phản biện, thì BOT cũng trở thành món đầu tư đầy béo bở.

Béo bở cho chủ đầu tư BOT thì càng bào mòn – thậm chí một cách phi lí – hầu bao của người dân, tác động dây chuyền về chi phí đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với việc làm của đông đảo người lao động.

Thứ trưởng nói rất hay. Nhưng thưa Thứ trưởng, sẽ còn hay hơn, có ích cho dân cho nước hơn, là hãy đưa ra cách làm, hãy đề đạt phương hướng giải quyết. Ở cương vị của Thứ trưởng, chắc chắn sẽ “thấu hiểu” được nhiều ngóc ngách, thậm chí là “ẩn khuất” của các dự án BOT giao thông hơn bao người dân khác. Và ở vai trò của Thứ trưởng, những đề đạt, cũng thuyết phục hơn người dân bình thường.

Vậy hãy hành động đi, thưa Thứ trưởng, để bao người dân được nhờ, để không còn tình trạng trạm thu phí “chặt khúc” các quốc lộ, “bao vây” các khu dân cư. Hãy hành động đi, thưa Thứ trưởng, bởi người dân cũng chẳng vui gì khi phải dùng chiêu đối phó “tiền lẻ qua trạm” gây ách tắc giao thông, hay sự phản đối các chủ đầu tư và các trạm thu phí mà theo đó lẽ dĩ nhiên cũng khiến chính mình mệt mỏi.

Cần những qui định pháp lí chặt chẽ hơn về BOT giao thông. Nhưng quan trọng hơn là sự kiểm soát, đánh giá, phản biện từ giai đoạn dự án, để tránh xảy ra sự tùy tiện xin – cho cấu kết vì lợi ích nhóm mà bỏ mặc lợi ích chung của người dân.

Doanh nghiệp đầu tư thì phải thu hồi vốn, phải có lãi là chuyện bình thường. Thậm chí, nhà đầu tư muốn xin – cho để kiếm thêm lợi ích cho mình cũng là chuyện thường tình trên thương trường. Vấn đề là các cơ quan quản lí, chính quyền địa phương phải cân đối, hài hòa lợi ích các bên chứ không thể thiên lệch bất cứ một bên nào.

Thứ trưởng đã nói giúp được ít nhiều nỗi lòng của người dân. Vậy thì, cần có ngay những hành động quyết liệt, cụ thể từ những người như Thứ trưởng, để người dân vơi bớt nỗi lòng đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn