MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD-ĐT nhanh chóng trình quy định mới về tiêu chuẩn, quy trình công nhận GS.PGS. Ảnh: VGP

Tiêu chuẩn mới về GS.PGS: Cần đảm bảo tính thực chất, khoa học

HẢI ĐĂNG LDO | 26/04/2018 10:30

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản yêu cầu Bộ GDĐT nhanh chóng nghiên cứu, hoàn thiện, trình quy định mới về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư.

Trước đó, vào ngày 2.2, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư (GS.PGS) năm 2017. Trước dư luận nghi ngại về chất lượng GS.PGS của “chuyến tàu vét”, Thủ tướng yêu cầu rà soát, kết quả 41 người bị loại vì chưa đủ điều kiện và một số trường hợp xin rút.

Lâu nay, rất nhiều ý kiến than phiền, bức xúc về tình trạng bội thực các chức danh GS.PGS.TS nhưng chất lượng giáo dục đào tạo không cao, không có trường ĐH lọt top bảng xếp hạng quốc tế, nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế rất yếu kém so với nhiều quốc gia. Một số người có học hàm, học vị cao nhưng lại đạo văn, yếu ngoại ngữ, không có thành tích nghiên cứu khoa học, có hiện tượng gian lận hồ sơ, “chạy” chức danh.

Thực tế nói trên đặt ra yêu cầu bức thiết phải thay đổi quy trình, quy định, tiêu chuẩn chức danh khoa học như GS.PGS và cả học vị tiến sĩ.

Theo quy định của Điều 71 Luật Giáo dục 2005, “GS.PGS  là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học”. Áp dụng đúng quy định này, sẽ không có cửa cho quan chức, cho những người không hành nghề giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.

Về tiêu chuẩn, quy trình công nhận chức danh GS.PGS, cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng: "Phải bảo đảm minh bạch, không có tiêu cực để tạo động lực cho các nhà khoa học cống hiến, có nhiều công trình nghiên cứu hữu ích cho xã hội".

Với tinh thần này, các tiêu chí cần chú trọng giá trị, hiệu quả, chất lượng của các công trình nghiên cứu khoa học, thể hiện trí tuệ, đẳng cấp và đóng góp của ứng viên, loại bỏ những tiêu chí, cách cộng điểm mang tính hình thức, tạo kẽ hở để ứng viên “lách luật”.

Đơn cử như tiêu chuẩn về ngoại ngữ phải được sát hạch chặt chẽ, công khai. Tiêu chuẩn về công trình nghiên cứu, chủ trì đề tài trong trường hợp đứng tên chung phải chứng minh được đóng góp của các cá nhân, tránh trường hợp “đánh trống ghi tên”, gian dối, “dây máu ăn phần”. Cần có thêm tiêu chí đánh giá của sinh viên và đồng nghiệp về ứng viên.

Trong quy trình công nhận, hồ sơ khoa học của ứng viên cần được công khai để giới chuyên môn giám sát, phản biện. Đồng thời, cần xem xét bãi bỏ các yếu tố cảm tính như số phiếu kín của hội đồng.

GS.PGS là đội ngũ khoa học tinh hoa, vì vậy cần có các tiêu chí phù hợp và quy trình công nhận chặt chẽ, tránh trường hợp các ứng viên không xứng đáng lọt vào “ngôi đền thiêng”, trả lại vinh dự cho các chức danh giáo dục cao quý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn