MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tính thẩm mỹ của những "ổ trâu". Ảnh: NĐT

Tính " thẩm mỹ" của những "ổ trâu"

Nguyễn Đắc Thành LDO | 11/11/2017 07:00

Công trình Đập Đá nối đường Lê Lợi, Nguyễn Sinh Cung- Thành phố Huế bị nước lũ "cày nát" mặt đường nhựa. Lý giải về điều này, Ban Quản lý Dự án đầu tư Xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế (chủ đầu tư) cho rằng vì tính thẩm mỹ nên chọn bêtông nhựa để làm.

Những "ổ gà", "ổ trâu" xuất hiện dày với diện tích lên tới 150m2 trên mặt đường Đập Đá sau lũ gây nguy hiểm cho người đi đường. Lũ rút, nhà chức trách phải rào chắn để cảnh báo người dân, những hầm hố xuất hiện gây mất mỹ quan trên tuyến đường trọng điểm của thành phố.

Lý giải cho việc này, chủ đầu tư cho rằng vì tính thẩm mỹ nên chọn bêtông nhựa để đổ mặt đường và cũng vì lý do nữa là biện pháp thi công đơn giản khi thời gian chỉ có 4 tháng, cùng vô vàn lý do khác.

Tính thẩm mỹ của chủ đầu tư ở công trình Đập Đá chỉ tồn tại được mấy tháng thì "ổ gà", thậm chí là "ổ trâu" xuất hiện, không biết lúc này tính thẩm mỹ nằm ở đâu? Chắc là vẻ đẹp của những hầm hố của những "ổ gà", "ổ trâu" và vẻ đẹp của những vết chắp vá.

Và nữa là đổ bêtông nhựa sẽ tạo sự êm thuận trong quá trình người dân tham gia giao thông. Sau lũ, đường bong tróc, những rào chắn được dựng lên, ôtô bị cấm, người đi xe máy phải dè chừng nếu không muốn sụp xuống "ổ gà", không biết những lúc này, tính êm thuận nó nằm ở đâu trên đường? Chắc lại là trong lý thuyết.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, chủ đầu tư giải thích việc mặt đường bị bong tróc là do nước chảy xiết và mặt đường bị ngâm lâu ngày. Chủ đầu tư là đơn vị ở Huế thừa biết và hiểu rõ Đập Đá như thế nào về mùa lũ mà vẫn chọn vật liệu không chống chịu được với nước thì quả là vô lý.

Tính thẩm mỹ của một công trình trung tâm thành phố rất quan trọng nhưng xét về yếu tố thiên tai ở một vùng thấp thì phải đề cao chất lượng lên hàng đầu. Đừng chọn tính thẩm mỹ để rồi thấy một sản phẩm lỗi, một công trình xuống cấp mất mỹ quan.

Chủ đầu tư hứa trong báo cáo rằng sẽ cùng với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị tư vấn, chuyên gia nghiên cứu giải pháp mặt đường phù hợp và đảm bảo trong trường hợp mưa lũ lớn dài ngày. Chủ đầu tư chọn giải pháp thi công đơn giản bây giờ lại hóa phức tạp. Và phức tạp hơn là nó gây ra sự nghi ngờ của người dân về chuyện có hay không việc "rút ruột công trình".

Một công trình tiền tỷ chỉ mới đưa vào hoạt động khi nước lũ tràn về đã phơi bày ra nhiều bất cập. Một bản "nghiệm thu" đắt giá của trời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn