MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh Trung thu ở một góc TP. Thanh Hoá. Ảnh chụp từ clip.

Trung thu của bố!

Xuân Hùng LDO | 05/10/2017 19:00
Tối hôm qua (Rằm tháng Tám), chị Hằng sáng vành vạnh soi tỏ trần gian. Trung thu tưng bừng rộn ràng khắp chốn. Nhưng ít nhiều, một vài nơi khiến chị cũng phải xấu hổ. 
TP. Thanh Hoá từ đầu giờ tối đến đêm, người đông nghìn nghịt. Tắc đường và huyên náo. Cảnh bọn trẻ rước đèn, múa lân với trống ếch, trống cái thùng thùng rộn ràng ít đi. Thay vào đó là nhạc điện tử, nhạc sàn ầm ĩ. Nhiều dãy nhà, khu phố đua nhau làm đèn lồng to vật vã, đặt lên xe và đi diễu phố.

Trẻ em cứ ở trong nhà. Người lớn lên xe rước đèn và nhảy điên loạn. Một số thanh niên chỉ mặc độc xà lỏn, đeo cái mặt nạ cho ra kiểu người Việt cổ rồi lắc lư quanh cột như ngáo đá. Nữ thì váy ngắn, mỏ đỏ uốn éo như thị Mầu...

Về làng quê, các ông bố góp tiền mua lợn, chó, gà về làm thịt liên hoan. Mâm bát bày giữa đường. Rượu thịt tràn trề, dzô dzô trăm phần trăm. Lại còn tiết mục dắt dê đi rước đèn rồi về chọc tiết 2 xóm giao lưu. Rượu tràn cung trăng. Rồi nhạc. Rồi nhảy...

Trẻ con cứ ở trong nhà. Những cảnh đó không phải là tất cả và không phải chỉ có ở Thanh Hoá.

Có nhiều sự tích giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung thu, đa số bắt nguồn từ Trung Quốc.

Theo đó, nhiều sự tích liên quan đến vua Đường Minh Hoàng. Chẳng hạn, theo Phan Kế Bính, Rằm tháng Tám là ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, vào ngày này vua truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục...

Cũng có nhiều tích liên quan đến mối tình Hằng Nga – Hậu Nghệ. Ngày Rằm tháng Tám là ngày Hằng Nga đẹp nhất để đến với Hậu Nghệ - chàng trai có tài bắn tên, đã bắn rụng 9 mặt trời để cứu loài người...

Theo các nhà khoa học, văn hoá học thì Tết Trung thu đã diễn ra ở Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Nó liên quan đến chu kỳ mặt trăng – mặt trời, đến liên hoan cuối vụ và tôn sùng yếu tố âm của cư dân đồng bằng lúa nước và sự hoà hợp âm dương...

Những tích đó phải đọc trong sách. Người Việt hiện nay không phải ai cũng biết.

Nhưng dù tích nào, trong quan niệm người Việt từ xưa đến nay, Trung thu là tết của thiếu nhi. Vào ngày này, người lớn dành tất cả tình cảm cho các con bằng việc tự làm hay mua đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn hình mặt trăng... Người lớn tất bật sắm cỗ trung thu cúng trăng, cùng các con hát múa dưới trăng rồi vui phá cỗ. Các đám rước đèn, múa lân cũng có từ xa xưa. Nhưng tất cả là vì con trẻ, cho con trẻ và do con trẻ. 

Nhưng nay với những đám rước ầm ĩ tiếng nhạc sàn; những bữa cỗ tiết canh dê, dồi chó say sấp mặt; trăng xộc xệch chao đảo. Hẳn đó là trung thu của bố!

Tết Trung thu còn là dịp để kẹp trong túi bánh cái phong bì, là xin xỏ và lại quả. Đương nhiên, lại càng là trung thu của bố!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn