MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Tiểu học Bình Chánh nơi vừa xảy ra vụ "quỳ" làm xôn xao dư luận cả nước. Ảnh: Kỳ Quan

Từ vụ cô giáo quỳ gối: Nan giải bài toán giáo dục học sinh hư

HẢI ĐĂNG LDO | 10/03/2018 08:16
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc cô giáo ở Long An phải quỳ gối là “khoảng trống” trong quy định của ngành giáo dục về các biện pháp giáo dục học sinh chưa ngoan.

Bản thân cô giáo tại Long An trong vụ việc quỳ gối xin lỗi phụ huynh không hề muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt học sinh (HS), nếu tất cả các em đều ngoan ngoãn, nghe lời, học hành tiến bộ. Nhưng thực tế, có không ít HS cá tính, hiếu động, nghịch, thậm chí khó bảo, vô lễ, học hành sa sút.

Ở bất cứ thời kỳ nào, cũng có một tỷ lệ nhất định những HS chưa ngoan, thậm chí là HS “cá biệt” hay “bất trị”. Trước đây, mặc dù không có văn bản cho phép từ cơ quan quản lý giáo dục, nhưng nhiều nhà trường giáo viên (GV) vẫn sử dụng các biện pháp kỷ luật, trừng phạt HS chưa ngoan như phạt lao động, phạt úp mặt vào tường, phạt chép bài, phạt roi… và nhiều hình phạt khác.

Lúc đó, hầu hết các phụ huynh và HS đều chấp nhận, coi những hình phạt nói trên là quyền của nhà trường, GV, với mục đích tạo kỷ luật, kỷ cương để HS ngoan, chăm học, tiến bộ.

Nhiều người vẫn nhớ về những hình phạt nghiêm khắc năm xưa, cảm ơn thầy cô đã giáo dục, uốn nắn để nên người.

Tuy nhiên, ở thời hiện đại, quan niệm giáo dục đã thay đổi, những hình phạt đụng chạm đến thân thể và danh dự của HS đều bị nghiêm cấm. Thực tế là GV hiện nay không có quyền áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật, trừng phạt nào đối với HS. Nhiều người vi phạm đã phải chịu nhận các hình thức kỷ luật nặng nề.

Theo quy định, HS vi phạm chỉ bị nhắc nhở, phê bình, hạ hạnh kiểm hoặc buộc thôi học.

Nhiều GV than phiền vì những quy định nói trên nên đã dẫn tới tình trạng không ít HS không tuân thủ kỷ cương, nề nếp, lười học, nói chuyện, quậy phá, thậm chí có những em vô lễ với GV, làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục.

Nếu trường nào có hiệu trưởng, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, GV chủ nhiệm nghiêm túc, tận tâm, phối hợp tốt, thì kỷ cương học đường còn giữ vững. Còn nếu hiệu trưởng, GV chủ nhiệm, tổ chức Đoàn, Đội thiếu trách nhiệm, buông lỏng khâu giáo dục đạo đức HS, thì GV trở thành người “chịu trận”, “nạn nhân” của những HS chưa ngoan, chậm tiến.

Trước thực trạng nói trên, không ít GV đã buông xuôi, chỉ lo tập trung khâu chuyên môn, giảng dạy, còn HS nghịch, không chăm học, thậm chí quậy phá, GV cũng không can thiệp. Bởi, GV trong cảnh “quyền rơm, vạ đá”, rất dễ bị tai nạn nghề nghiệp; trong khi giáo dục, rèn giũa những HS cá biệt rất mệt mỏi, vất vả, ít được ghi nhận.

Thiết nghĩ, chừng nào chưa xử lý “khoảng trống” về chế tài, trách nhiệm giáo dục HS chưa ngoan, thì nguy cơ sự cố giáo dục vẫn tiềm ẩn, và có thể phát tác bất cứ lúc nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn