MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nhân Hoàng Khải khởi nghiệp bằng cách buôn lụa, và thiếu trung thực. Ảnh: LDO

Từ vụ Khaisilk buôn lụa, bán phở: Nghèo nàn ý tưởng khởi nghiệp

QUANG ĐẠI LDO | 03/11/2017 07:00
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, kinh doanh của doanh nhân Hoàng Khải (Khai Silk), thấy nổi bật nét yếu kém phổ biến của doanh nghiệp hiện nay, là nghèo nàn trong ý tưởng khởi nghiệp.

Doanh nhân Hoàng Khải, đã từng nổi đình nổi đám với thương hiệu Khai Silk, Phở Ông Khải, trung tâm thương mại SaiGon Paragon, khách sạn lâu đài Tajmasago.. . Mặc dù Hoàng Khải đã từng rất thành công trong các lĩnh vực mà ông tham gia, nhưng tổng quát lại,  doanh nghiệp này vẫn chưa có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.

Đến nay, sự nghiệp của Hoàng Khải, có thể tóm gọn trong 3 nội dung: Buôn lụa, bán phở, và kinh doanh bất động sản. Trong đó, buôn lụa, gắn với thương hiệu Khai Silk, là nền tảng, bệ phóng để ông thành công trong các lĩnh vực khác.

Buôn lụa hay sản phẩm tơ lụa, là một nghề “xưa như trái đất”. Tuy nhiên, ngay ở xuất phát điểm, Hoàng Khải đã sử dụng mánh khóe “cổ điển”, "cò con", là buôn gian, bán lận. Với sự chênh lệch giá rất lớn từ khăn lụa Trung Quốc đến khăn lụa cao cấp Việt Nam gắn với thương hiệu Khai Silk mà người dùng rất tin tưởng, Hoàng Khải đã thu được lợi nhuận khổng lồ.

Từ lợi nhuận đó, Hoàng Khải bắt tay vào đầu tư chuỗi quán phở Ông Khải, cũng là một lối mòn sẵn có trong kinh doanh.

Có tiền, đầu tư trung tâm thương mại, khách sạn, cao ốc… cũng là những con đường mà hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp đã khai phá.

Từ trường hợp Hoàng Khải, có thể thấy, điều rất yếu và thiếu của doanh nhân, doanh nghiệp Việt hiện nay, là ý tưởng khởi nghiệp. Hầu hết, người ta đi theo các lối mòn sẵn có, chủ yếu xoay quanh các lĩnh vực buôn bán, dịch vụ, xây dựng, bất động sản, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thông thường…

Tại một thị xã nhỏ ở Hà Tĩnh, dân số vài chục nghìn người, mà có đến hàng trăm quán cà phê, hàng chục điểm hát karaoke, rồi shop quần áo, điện thoại, điểm ăn sáng, quán nhậu, gara ôtô… Dẫn đến tình trạng làm ăn đìu hiu, thua lỗ, vì lượng khách hàng ít, trong khi dịch vụ quá nhiều.

Tại Nghệ An, một thời người ta đua nhau “nâng cấp”, mở trường ĐH, bệnh viện tư, đến mức “lạm phát thừa”. Nay nhiều trường ĐH, bệnh viện tư đang rất khó khăn, vì quá ít người học, người chữa bệnh.

Nhìn rộng ra, doanh nghiệp có đến hàng triệu, nhưng vẫn quá thiếu vắng những thương hiệu Việt đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, những hàng hóa người dân cần thiết với khối lượng lớn vẫn phải nhập khẩu: điện thoại, máy tính, ô tô, xe máy và vô số các sản phẩm khác.

Từ vụ Hoàng Khải, có thể thấy hai lực cản, mà nếu không tự tháo gỡ, vứt bỏ được, thì doanh nghiệp Việt sẽ không thể “lớn” lên được: Đó là thiếu ý tưởng, thiếu sáng tạo và thiếu trung thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn