MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên

Từ vụ Trường Tiểu học Nam Trung Yên: Làm sao để nói dối, làm dối không lên ngôi?

Thủy Lâm LDO | 23/02/2017 07:30
Vụ việc xe taixi đâm gãy chân một học sinh và những chiêu trò lừa dối của hiệu trưởng và giáo viên ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) có thể được coi là khép lại với hình thức kỉ luật đích đáng với người đứng đầu ngôi trường. Song những vấn đề liên quan vụ việc đã gây nhức nhối cho nhiều người không phải ở cá nhân của cô hiệu trưởng mà ở những giáo viên của trường khi chúng ta đặt ra câu hỏi: Vì sao họ lại phải nói dối? Vì sao không thể nói thật?
Rất nhiều người đã đặt ra vấn đề rằng những thầy cô giáo của một ngôi trường tiểu học nói dối như vậy là vô tình dạy học trò bài học nói dối. Thực ra, đâu chỉ trường tiểu học này dạy trò nói dối mà chuyện dạy trẻ nói dối đang diễn ra trong nhiều trường học ngay từ lớp mầm non. Ví dụ: Chuyện về các giáo viên đánh trẻ và bảo trẻ về nhà đừng mách bố mẹ ? Chuyện nếu thanh tra, hiệu trưởng đến hỏi thì các em phải nói như thế này, như thế kia?...
Có thể những việc làm này không phổ biến nhưng trò dự giờ thăm lớp, thi giáo viên dạy giỏi, thao giảng… đang diễn ra ở hầu hết các cấp học ai dám bảo là không hình thức? Một học sinh lớp 1 đã thắc mắc khi cô giáo chuẩn bị tiết dự giờ và dạy rằng: Tại sao tiết học hôm nay lại khác hoàn toàn những tiết học khác.
Trẻ em có được dạy bài học nói dối không khi các em to nhỏ cùng nhau chuyện bạn này điểm cao vì có đi học thêm, bạn kia điểm thấp vì không đi học thêm. Có cậu học sinh tiểu học bị mẹ ép phải đi học thêm vào các buổi trong tuần ngoài thời gian chính khóa hai buổi ở trường đã phản ứng: Nếu là mẹ thì mẹ có đi học như con nổi không (đi học về đến nhà, chưa kịp ăn là đi tiếp tua 17-19h). Phụ huynh không muốn ép con nhưng vì các bạn đều đi học hết thì con mình không thể ở nhà!
Đó là chưa kể nhiều trường hợp một môn học phải học thêm nhiều giáo viên, học thầy này để nâng cao kiến thức và học cô kia để khỏi “mất lòng”. Hai chữ mất lòng ấy sẽ như thế nào chắc ai cũng hiểu. Chưa hết, ngay cả khi ở nhà các em cũng được bố mẹ dạy nói dối, đơn giản như: ai đến thì bảo là bố không có nhà. Nghe điện thoại thì mẹ bảo là giờ đang làm việc ở cơ quan. Chưa kể có nhiều bố mẹ còn dạy trẻ nói dối có sắp xếp như: nếu ai hỏi thì con nói thế này, thế này… Nói dối mà được dạy chu đáo như thế làm sao không hiệu quả cho được.
Song, có một điều chúng ta cần tìm hiểu thêm đó là vì sao phải dối như vậy? Trước hết là vì bản thân người nói dối, làm dối sẽ được hưởng lợi nhưng quan trọng hơn là câu hỏi: vì sao họ không dám nói thật?
Trở lại câu chuyện ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên, tại sao có chuyện 100% giáo viên nhất trí là không thấy chiếc xe nào vào trường. Bất ổn ở chỗ là vào thời gian đó, chắc chắn có nhiều giáo viên không có mặt ở trường, họ không có thông tin nhưng vẫn biểu quyết là 100%. Sau đó, khi vị trí của sếp có phần lung lay, các cô “phản pháo” tố cáo hành vi giả dối.
Điều này cho thấy một sự thật khác đó là không ít giáo viên không dám nói thật vì mong được yên ổn. Vì sao những tiết học dự giờ phải dối là vì những người có quyền đánh giá giáo viên không chấp nhận được sự thật là một lớp học bình thường thì chuyện học sinh không học bài cũ, vài học sinh lơ là, ngủ gật, học sinh không hoạt động tích cực (vì lực học quá yếu) nên giáo viên phải thuyết giảng và nhắc đi nhắc lại nhiều lần… Vì sao trẻ nói dối là bởi vì những người xung quanh (thầy cô, cha mẹ, người lớn…) không tạo điều kiện cho trẻ được nói thật. Trẻ nói thật có thể bị đánh, bị sĩ nhục, bị trừng phạt quá khắt khe nên buộc trẻ phải nói dối. Vì sao nhiều người lớn cũng phải nói dối, bởi vì họ muốn được…yên thân.
Câu chuyện ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên không chỉ đặt ra vấn đề về đạo đức của người giáo viên mà còn cho chúng ta một bài học về sự thật. Để hiện tượng nói dối, làm dối được ngăn chặn, không phải lên án hay tố cáo một hành vi giả dối mà cần thay đổi thái độ đối với lời nói và hành động thật. Nếu vẫn không tạo được một cơ chế cho sự thật được tôn trọng thì chuyện nói dối, làm dối vẫn tiếp tục “lên ngôi” trong xã hội chúng ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn