MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng vứt rác bừa xuống đường bị phạt 3 triệu đồng (ảnh từ camera an ninh).

Từ vụ vứt rác bị phạt 3 triệu ở Hà Tĩnh: Các thành phố lớn cũng nên xử nghiêm

Thế Lâm LDO | 23/11/2018 16:08

Chỉ biết dọn dẹp sạch rác nhà mình mà mang vứt rác bừa nơi công cộng “sống chết mặc bay”, đó không chỉ là hành vi vi phạm về mặt hành chính, mà xét về mặt tư cách cá nhân cũng không ổn chút nào.

Câu chuyện không phải ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng. Vụ vứt rác thải không đúng nơi qui định bị phạt 3 triệu đồng xảy ra tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 

Hình ảnh camera an ninh ghi được là một người đàn ông ăn mặc khá lịch lãm, đi ôtô, đến một đoạn đường vắng thì dừng lại và vứt rác xuống dưới đường gần khu vực cầu Hội. Khi hình ảnh trên được đưa lên Facebook đã gây nhiều bất bình trong dư luận. 

Chỉ biết dọn dẹp sạch rác nhà mình mà mang vứt bừa nơi công cộng “sống chết mặc bay”, đó không chỉ là hành vi vi phạm về mặt hành chính, mà xét về mặt tư cách cá nhân cũng không ổn chút nào. Nói thẳng thì, đó là một hành vi đáng xấu hổ và chúng ta phải biết xấu hổ khi xả rác bừa bãi.

Mức phạt 3 triệu được xem là khá nghiêm đối với một loại hành vi có tính chất hiện trạng “chuyện thường ngày”. Nhưng nghiêm trọng hơn còn ở chỗ, hình ảnh đối tượng cố tình vứt rác xuống đường “ô nhiễm mặc bay” như thế, còn rất lâu nữa dư luận mới quên được.

Và cũng xin nói thẳng, huyện Cẩm Xuyên đã xử phạt đối tượng xả rác giữa đường như thế là một việc làm kịp thời và rất đáng hoan nghênh, ủng hộ.

Nhưng giá mà, việc xử lí các hành vi xả rác bừa bãi theo qui định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP cũng được áp dụng rộng rãi và kiên quyết hơn tại các điểm nóng xả rác ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, thì không chỉ tăng được tính răn đe mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, một công đôi chuyện.

Những qui định và chính sách mới muốn đi được vào cuộc sống trước hết phải tuyên truyền, vận động. Nhưng có những điều như cấm xả rác bừa bãi, hay qui định về giữ vệ sinh môi trường…, không còn là mới.

Những qui định này, cũng chỉ là một cách pháp định lại các chuẩn mực văn minh xã hội. Chính vì vậy đối với các trường hợp vi phạm tràn lan hiện nay, cần phạt nghiêm, thậm chí nên phạt hết khung.

Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các chính sách phân loại rác tại nguồn.

Ngày 14.11 vừa qua UBND TP.HCM cũng đã ban hành qui chế về vấn đề này, theo đó thành phố triển khai phân loại rác tại nguồn từ ngày 24.11, với lộ trình đến hết năm 2020 sẽ triển khai đại trà và chính thức.

Có những quốc gia, như Singapore, đã và đang hấp dẫn khách du lịch bằng chính thương hiệu “sạch và thân thiện môi trường”.

Một đơn cử khác là tại Đài Loan- Trung Quốc, chính quyền qui định “rác trước nhà ai, nhà đó bị phạt” bất kể bị ai vứt sang. Chính vì thế, hầu hết các nhà phố đều gắn camera an ninh cũng nhằm phát hiện những đối tượng vứt rác bừa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn