MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe biển xanh của Bộ Y tế lao ngược chiều trên cầu Nhật Tân đang gây ra sự phẫn nộ trong dư luận

Văn hóa đổ lỗi

Thủy Lâm LDO | 10/04/2017 16:51
Vụ xe biển xanh của Bộ Y tế lao ngược chiều trên cầu Nhật Tân ngày 6.4 đang gây ra sự bức xúc trong dư luận. Đại diện Bộ Y tế đã giải thích đây là đoàn xe đón chuyên gia tư vấn Nhật Bản tại sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, vì cầu Nhật Tân hôm đó có tai nạn nên CSGT phân luồng đã ra tín hiệu cho đoàn xe quay đầu. Ngay lập tức, phòng CSGT Hà Nội đã bác bỏ ngay, “Chúng tôi khẳng định không hề ra tín hiệu cho các phương tiện quay đầu đi ngược chiều trên cầu bởi như vậy rất nguy hiểm". Sự kiện trên một lần nữa cho thấy tình trạng đổ lỗi đã và đang diễn ra khá trầm trọng.
Chuyện đỗ lỗi đã trở nên quen thuộc như “chuyện thường ngày ở huyện”, song hậu quả của việc đỗ lỗi nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Đó là thái độ tung hoành, hiên ngang của người vi phạm khi đã có kẻ chịu tội thay mình.
Trong xóm tôi thường bị mất trộm vặt và lúc nào có trộm thì họ đều nghi cho một đối tượng hay trộm cắp, và kẻ ấy nhận đủ lời nguyền rủa. Rồi một lần, có một gia đình bị mất xe máy, tất nhiên người ăn trộm phải là “thằng ấy” chứ ai vào đây nữa. Nhưng khi công an làm việc thì đã phát hiện ra một người khác. Vậy là, lâu nay có nhiều kẻ đi ăn trộm và họ rất ung dung tự do vì nghĩ có thằng ấy chịu thay mình rồi, mình cứ thế tha hồ trộm.
Một đứa trẻ chạy nhảy bất cẩn nên bị ngã và khóc. Phụ huynh của trẻ đã tìm đến người bất kì đang bên cạnh trẻ, vờ đánh người ấy và dỗ dành là tại ông (bà) nên đã làm cháu mình đau. Vì sao đứa trẻ nín khóc, là bởi vì đã tìm ra người nhận thay lỗi của chúng rồi.
Hơn 200 nghìn sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp nhưng lỗi không phải của nền giáo dục, là phát biểu của một giáo sư đầu ngành. Vậy đó chỉ có thể là lỗi tại ông trời mà thôi. Con cái hư hỏng cũng là tại ông trời bởi “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Đường bị nứt, lún là tại trời nắng và mưa quá to, thủy điện xả lũ gây ngập lụt cũng vì trời mưa quá nhiều.
Cán bộ bẻ cành đào thì đổ cho tài xế, xe của Bộ Y tế chạy ngược chiều trên cao tốc thì do cảnh sát giao thông. Án oan sai là lỗi của người đã về hưu hoặc đã thôi việc hoặc đã chết…
Khoan vội hãy nói đến văn hóa xin lỗi bởi lỗi còn không chịu nhận thì làm sao nói chuyện xin lỗi được. Lại nhớ đến nhân vật Jean Valjean trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, người đã chấp nhận mất tất cả để ra tự thú khi biết có người khác đang chịu tội oan thay mình. Xa vời lắm thay!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn