MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Đỗ Thị Hằng đi kêu oan (ảnh to) và quyết định kháng nghị của VKSNDTC (ảnh nhỏ). Ảnh: Tiền Phong

Với án oan sai, chỉ xin lỗi và bồi thường chưa đủ

Thủy Lâm LDO | 29/04/2017 17:14
Từ người chịu án oan Nguyễn Thanh Chấn, tới người tù lịch sử Huỳnh Văn Nén, mới đây là ông Hàn Đức Long và còn nhiều người khác nữa, họ là những số phận phải chịu cảnh tù nhân khi không có tội và đã được minh oan. Liệu có còn không những tù nhân như thế đang vẫn phải chịu cảnh nhà tù?

Khi nói đến án oan, nhiều người đã tự biện hộ rằng đó là xác suất rủi ro kiểu giống như đi bệnh viện, giống như tiêm vacxin, kiểu như bị tai nạn giao thông trên đường… Gọi là vận đen, hay có thể nói là xác suất rủi ro. Song, với án oan thì không thể gọi là xác suất rủi ro được bởi bản án được quyết định bởi con người, không phải một người mà rất nhiều người, hơn nữa cũng không ai thúc ép chuyện phải buộc kẻ không có tội bị trừng phạt cả.

Thậm chí, giả sử cứ cho là xác suất rủi ro thì trong chúng ta, liệu có ai chấp nhận được chuyện bản thân hoặc người thân của mình rơi vào xác suất rủi ro đó hay không? Một người có tội phải đền tội ở trong tù đã là điều khủng khiếp, huống hồ họ phải ngồi tù khi không hề có tội? Làm sao họ chịu đựng nổi sự tổn thất to lớn dài dằng dặc ấy. Những người đang nắm trong tay quyền cầm cân nảy mực hãy một lần thử hình dung và tưởng tượng mình ở vào cảnh đó xem, cảnh phải ngồi tù khi mình là một người lương thiện, để thấu hiểu hơn và hành xử có tâm hơn đối với công việc của mình.

Người chịu án oan không chỉ mất mát về bản thân mà còn mất cả gia đình. Án oan của bà Đỗ Thị Hằng là một trường hợp tiêu biểu. Nguyên là một giáo viên cấp 3, khi bị kết tội đi tù với tội mua bán phụ nữ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong thời gian bà đi tù, gia đình bà vỡ nát, chồng tự tử chết, các con li tán, hư hỏng. Những tổn thất và đau đớn là không thể nào bù đắp được và đau đớn hơn cả là nỗi oan ức chưa được trả, mặc dù đã mãn hạn tù.

Hay trường hợp án oan của ông Hàn Đức Long, với tội danh giết người, hiếp dâm trẻ em và hiếp dâm. Trong suốt thời gian ông bị bắt giam oan để điều tra, truy tố, xét xử và buộc phải thi hành bản án tử hình oan, mọi danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi công dân của bị án bị tước hết, xã hội khinh bỉ, hàng xóm ghẻ lạnh. Còn gì đau đớn hơn thế? Những người đang thi hành luật pháp có thấu hiểu những nỗi niềm này không?

Được biết, những vụ án oan nói trên đều được minh oan bởi những điều may mắn hiếm hoi còn khó hơn trúng giải xổ số độc đắc: Thủ phạm ra đầu thú, vô tình gặp được nạn nhân sau nhiều năm biệt tích để nhờ họ làm chứng… Liệu còn có bao nhiêu người đang là tù nhân mà không thể hoặc không có khả năng tìm ra chứng cứ để chứng minh mình vô tội. Con số đó là bao nhiêu, cho dù là hiếm hoi hay số rất ít thì cũng quá thương tâm và đau xót. Cho dù là xác suất rủi ro thì ai cũng muốn con số đó sẽ là 0% và không bao giờ rơi vào mình.

Để làm được điều này, không chỉ kêu gọi lương tâm con người suông mà cần phải trừng trị thật thích đáng đối với những kẻ gây ra oan sai. Nếu họ cứ gây ra oan sai rồi nhà nước phải đứng ra giải quyết hậu quả (bồi thường) và xét xử họ nhẹ nhàng thì chắc chắn oan sai vẫn còn, thái độ làm việc tắc trách vẫn còn, hành xử thiếu tình người vẫn còn. Xử lí người gây ra oan sai thật nghiêm khắc là một trong những cách quan trọng để không có thêm những tù nhân không có tội, không còn những lời xin lỗi, xin lỗi và xin lỗi nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn