MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm thanh niên "trộm vợ" giữa ban ngày

Vụ “bắt vợ” tại Nghệ An: Khi hủ tục “chạm trán” pháp luật

QUANG ĐẠI LDO | 10/02/2017 08:48
Giữa thanh thiên bạch nhật, 3 - 4 thanh niên tổ chức bắt, đưa một cô gái trẻ lên xe máy chở đi giữa tiếng gào khóc, la hét, kêu cứu tuyệt vọng. Nhiều người đứng nhìn, bình phẩm nhưng không can thiệp, vì cho rằng đó là phong tục.

Không can thiệp vì phong tục

Xem video clip được tung lên mạng xã hội vào ngày 4.2, nhiều người không khỏi xót xa, bất bình, trước tiếng khóc, sự vùng vẫy tuyệt vọng của cô gái trẻ. Bị dồn vào bước đường cùng, cô gái đã dùng hết sức lực chống cự, vùng vẫy thoát được sự kìm kẹp của mấy thanh niên.

Clip nhanh chóng lan tỏa, gây bức xúc trong cộng đồng. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Thanh niên chủ mưu vụ “bắt vợ” được xác định là Trương Văn Biển (25 tuổi, trú xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp). Quen biết, có tình cảm với Vi Thị H. (17 tuổi, cùng xã). Ngày 3.2, biết tin chị H. sắp bắt xe vào miền Nam, Biển đã nhờ 3 thanh niên gồm Vi Văn Phong, Lữ Văn Hải và Vi Văn Bốn cùng tổ chức “bắt vợ”.

Hành vi của Trương Văn Biển và nhóm bạn dựa vào tục “trộm vợ” của một số dân tộc. Khi chàng trai, cô gái yêu nhau nhưng một trong hai bên bố mẹ không đồng ý, hoặc chàng trai nghèo không đủ tiền thách cưới, thì tổ chức “trộm vợ”, “bắt vợ” hay “cướp vợ” để hai người về sống với nhau. Việc làm này đã trở thành một tập tục lâu đời.

Tuy nhiên, trong trường hợp cô gái không đồng ý, hoặc giữa hai người chưa từng quen biết, thì hành vi “trộm vợ” rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Khi cô gái gào khóc, giãy giụa phản đối nhưng nhóm thanh niên vẫn cố ý cưỡng ép, hành vi của nhóm người này đã có dấu hiệu của tội danh “bắt giữ người trái pháp luật”, hoặc “cưỡng bức kết hôn”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn, sẽ có những cá nhân lợi dụng tập tục để tổ chức bắt người, nhằm thực hiện các mục tiêu đen tối (ví dụ buôn bán người), và sẽ có những phụ nữ là nạn nhân, bị đày đọa; những gia đình chia lìa, tan nát.

Trong trường hợp này, tục “trộm vợ” đã có dấu hiệu biến tướng, trở thành “hủ tục”, trái với các chuẩn mực của hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, của nguyên tắc bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm.

Nhiều người dân đứng xem, có người dùng điện thoại quay cảnh “cướp vợ”, có người xót xa cho cô gái; nhưng không có ai đứng ra ngăn cản, can thiệp, hoặc cấp báo cho cơ quan chức năng. Bởi vì, họ cho rằng đó là phong tục, nên không thể can thiệp.

Đây là một nhận thức bất cập, không đúng với nguyên tắc sống và làm việc theo pháp luật của xã hội văn minh. Cho dù là nhân danh phong tục, truyền thống, hay bất cứ điều gì, nhưng tuyệt đối không được vi phạm pháp luật, vi phạm các quyền cá nhân đã được pháp luật bảo vệ. Nếu như không có video clip làm bằng chứng, sự việc sẽ chìm đi vào quên lãng; có thể cô gái đã bị bắt về làm vợ, chấp nhận cuộc hôn nhân trái ý muốn, hoặc cuộc sống đắng cay, tủi nhục.

Clip về vụ "bắt vợ" tại Quỳ Hợp:

 

Cần xem pháp luật như khí thở

Đã có không ít trường hợp, do nhận thức không đúng về phong tục, hoặc tập quán, nên người dân thờ ơ trước những hành vi phạm pháp, để mặc hậu quả. Đã từng có những em bé bị chôn theo mẹ, do tập tục của địa phương. Phổ biến hơn, nhiều người để mặc người khác đánh đập dã man con em họ, hoặc chồng đánh vợ vì cho rằng “vợ, con họ, họ có quyền đánh” (!?).

Ở trên góc độ pháp lý, hành vi đánh đập người trộm chó đến chết là vi phạm pháp luật nghiêm trọng; kể cả những người đứng xem, nhưng không can ngăn, hoặc biết, nhưng không trình báo cơ quan chức năng, đều phạm tội.

Hiện nay, đây đó vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên, thậm chí được cổ vũ, bởi những quan niệm, nhận thức khác nhau. Nhiều trường hợp cả gia đình kéo nhau đi đánh ghen, hành hạ một người phụ nữ. Nhiều người đứng xem, nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn chép miệng: “Cái giá phải trả cho việc “phá hoại hạnh phúc” người khác”.

Một xã hội mà các quy định pháp luật bị vi phạm, bị xem thường, thì hậu quả, hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Vì vậy, để xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, cần nâng cao ý thức pháp luật cho mỗi người dân. Biện pháp hữu hiệu nhất là xử lý nghiêm minh, kiên quyết đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố, tòa đã tuyên án phạt tù đối với nhóm người đánh chết kẻ trộm chó.

Đối với vụ “bắt vợ” vừa qua tại huyện Quỳ Hợp, được biết nhóm thanh niên tham gia sẽ bị xử phạt hành chính.

Thiết nghĩ, đối với hành vi “trộm vợ”, cần có chế tài nghiêm khắc hơn. Việc xử phạt hành chính đối với nhóm thanh niên kia, sẽ chưa đủ sức răn đe. Cần có hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn, triệt tiêu hành vi nguy hiểm cho xã hội này.

Chúng ta thường kẻ, vẽ khẩu hiệu: “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Điều đó đúng, song cần nhận thức một cách sâu sắc hơn, về vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội, cũng cần thiết như không khí đối với mỗi người (ý của một người bạn nước ngoài khi đến Việt Nam). Nếu không, những bi kịch, hậu quả nặng nề của tình trạng vi phạm pháp luật, không chóng thì chầy, sẽ “gõ cửa” ghé thăm chúng ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn