MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(Ảnh: Lê Phi Long/LDO).

Vụ học sinh bị phạt tát 231 cái: Bao giờ mới thoát được kiểu dạy trừng phạt?

Thế Lâm LDO | 25/11/2018 16:51
Mặc dù cô giáo chủ nhiệm “không biết” học sinh N. bị các bạn trong lớp tát bao nhiêu cái theo “lệnh phạt” của cô, nhưng lớp trưởng thì xác nhận: Đúng 231 cái.

231 cái tát gồm 1 cái của cô giáo và 230 cái của 23 bạn trong lớp – mỗi người tát phạt em N. 10 cái, dẫn đến việc em bị sưng má, gia đình phải đưa vào bệnh viện.

Những câu chuyện gây bức xúc, đau lòng xảy ra trong các trường học, đặc biệt là ở cấp 1 và 2, thời gian qua liên tục xảy ra, tại sao không ít giáo viên vẫn chưa rút ra được bài học, dù trong nhiều trường hợp đó là bài học đắt giá không chỉ gây mất việc mất thu nhập nuôi sống gia đình mà còn mất cả thanh danh?

Sự trách phạt, với nhiều hình thức, nặng thì có thể đi đến kỉ luật cho thôi học, nhưng cũng không bao giờ được xem là nền tảng hành xử trong phạm vi một lớp học, một trường học, và nói rộng ra là ngành giáo dục.

Đó là những chế tài cực chẳng đã, nhằm răn đe, uốn nắn học sinh. Học sinh ở cấp học càng thấp, nhận thức chưa đủ, càng dễ xảy ra các sai sót, càng dễ có sự va chạm rồi dẫn đến mách thầy cô hay bố mẹ. Đối mặt với những tình huống như thế, người giáo viên cần có sự điềm tĩnh nhất định để xử lí, và trên hết là cần xử lí mềm mại và khéo léo, chứ không được tùy tiện “ban lệnh” cho tát nhau phạt nhau cho chừa. Bởi khi đã được sự cho phép của cô giáo thì học sinh cứ theo đó tha hồ thực hiện hành vi mà chưa chắc nhận thức được sự sai trái, thậm chí có nhận thức được thì cũng vẫn làm vì được cô giáo cho phép.

Vấn đề ở đây không phải nằm ở nhận thức của học sinh mà nằm ở nhận thức, tuy duy của giáo viên. Nếu cứ tư duy theo kiểu dạy trừng phạt thì để xử lí một lỗi sai này lại dẫn đến, phát sinh những hệ lụy, sai phạm khác có khi còn nặng nề hơn.

Cô giáo đã nhận ra cái sai của mình và đã xin lỗi gia đình học sinh N. Nhưng cái gốc là cô phải sửa sai ngay trong tư duy. Khi nhận thức thay đổi, luôn nghĩ rằng giáo dục là sự dạy bảo, uốn nắn, và thậm chí cực chẳng đã phải trách phạt đi nữa thì cũng cần trong sự bao dung chứ không thể “ban lệnh” bừa rồi chẳng quan tâm đến hệ quả của nó.

Khi mà các em học sinh nhỏ tuổi thường nghĩ về thầy cô là một chuẩn mực, thì những quyết định được đưa ra từ thầy cô nếu sai, dễ khiến các em ngộ nhận là đúng và hành xử theo, sẽ dẫn đến những cái sai dây chuyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn