MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ học sinh “xúc phạm” giáo viên trên Facebook: Đuổi học dễ, giúp các em hướng thiện mới khó

Thế Lâm LDO | 01/11/2018 13:28
7 học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị đuổi học từ một tuần đến 1 năm vì có hành vi “nói xấu”, “xúc phạm” thầy cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội Facebook vẫn đang được quan tâm bàn tán nhiều chiều trên dư luận.

Thậm chí, vụ việc này cũng đã được một số đại biểu Quốc hội đề cập đến dù đang lo nghị sự những vấn đề lớn của quốc gia.

Mà thực ra, trường hợp 7 học sinh bị đuổi học vì bị giáo viên “tình cờ” đọc được những nội dung chat trên Facebook của nhóm học sinh với nhau cũng không còn là chuyện nhỏ. Là bởi, chuyện dạy và học như thế nào để có được những trò ngoan thầy giỏi, bao năm qua ở Việt nam luôn là chuyện lớn, thậm chí có những thời điểm là vấn đề được người dân quan tâm nhất.

Chat nhóm kín mà không phát tán, thì chưa thể cấu thành hành vi lan truyền để bôi nhọ hay xúc phạm. Nội dung chat do cô giáo “tình cờ” đọc được hay cố ý cũng vẫn chưa được làm rõ. Giả thiết, nếu nhóm học sinh bị phát hiện ra sự cố tình lan truyền thì tất nhiên lỗi càng nặng thêm. Nhưng ngược lại, nếu cô giáo cố tình xem tin nhắn của học sinh dù nội dung không hay ho gì, thì cũng vi phạm vào qui định bảo vệ sự riêng tư về thông tin, thư tín.

Song ở đời, nếu học sinh trẻ dại mà chuẩn chỉ mọi thứ thì đâu cần phải dạy. Vì thế mới cần có ngành giáo dục phổ thông, không chỉ để thầy cô giáo truyền đạt kiến thức mà còn để bảo ban, uốn nắn, rèn giũa về tư cách đạo đức cho học sinh. Nếu suy nghĩ được theo triết lí tích cực này, với nhiều người từng trải trong cuộc sống và ứng xử, cứ như chưa từng nghe chưa đọc thấy gì, để đến khi có cơ hội sẽ khéo léo đề cập đến và bảo ban, sẽ hiệu quả hơn.

Truyền thông mấy hôm nay đưa nhiều thông tin về sự ra đi của nhà văn võ hiệp Kim Dung, và cho biết tỉ phú Jack Ma học được nhiều nhất từ Kim Dung chính là cách xử lí tình huống khéo léo, tế nhị để vượt qua những vụ việc nhạy cảm, khó xử cốt để giữ được hiệu quả cho công việc chung và riêng.

Nếu cô giáo “tình cờ” phát hiện nội dung chat nhóm “nói xấu” mình và nhà trường khéo léo xử lí tình huống này, có thể sự tình không dẫn đến đổ vỡ. Vâng, theo tôi, để vì một sự việc có thể xử lí theo cách khác thay vì đuổi học hàng loạt học sinh, chính là sự đổ vỡ, chí ít là về mặt hiệu quả giáo dục giữ chân học sinh ở lại với trường lớp.

Ai cũng có những tâm tư, thậm chí là bức xúc. Từ học sinh đến cả giáo viên, đôi khi cũng cần có nơi để trút bớt nỗi lòng. Nếu các em sai mà giúp các em hướng thiện trở thành trò giỏi con ngoan và trở thành những công dân tốt trong tương lai, thì đó mới là triết lí vĩnh cửu mà ngành giáo dục phải hướng tới.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn