MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các "khổ chủ" giăng băng-rôn trước công ty CP Modern Tech đòi tiền.

Vụ lừa đảo 15 nghìn tỷ đồng: Tín dụng đen, vì sao vẫn tồn tại?

QUANG ĐẠI LDO | 11/04/2018 11:00
32.000 nạn nhân đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền lên đến 15 ngàn tỉ đồng từ trò lừa đảo mang tên mạng lưới tiền ảo Ifan và Pincoin đa cấp là sự kiện gây chấn động gần đây.

Với lợi nhuận 48%/tháng trong thời gian hoàn vốn 4 tháng, ngoài ra được hưởng 8% nếu giới thiệu người mới tham gia mạng lưới đầu tư tiền ảo này là chiếc “bánh vẽ” mà những kẻ lừa đảo đã sử dụng để chiêu dụ các “nhà đầu tư”.

Mặc dù gắn cái mác “công nghệ cao”, nhưng trò lừa đảo này thực ra “xưa như trái đất”, đó là đánh vào lòng tham của con người, sử dụng lợi nhuận quá hấp dẫn đến mức không tưởng, và dùng các chiêu trò đánh bóng khác để các “con mồi” mê muội, tự nguyện rút hầu bao, hay vay mượn, cầm cố để đưa tất tần tật cho chúng.

Một số nhân vật tên tuổi, và cả những nạn nhân, có thể vô tình hoặc cố ý, tiếp tay đắc lực cho những trùm sò lừa đảo. Đến khi các “con mồi” giật mình tỉnh ngộ, thì đã quá muộn, đường dây, hệ thống lừa bịp đã bị đổ bể. Những kẻ lừa đảo, hoặc cao chạy xa bay, hay vướng vòng lao lý, nhưng chỉ có một kết cục chung cho các nạn nhân: mất tiền, khánh kiệt.

Trò kêu gọi góp tiền thật mua tiền ảo để “đầu tư” cũng là một hình thức tín dụng “đen”, với bản chất lừa đảo, hoặc có nguy cơ đổ vỡ rất cao. Điều đáng nói là tại sao những chiêu trò cũ rích này vẫn luôn hữu dụng, thu hút hàng nghìn, hàng chục nghìn nạn nhân với số tiền cực lớn; trong khi đã có quá nhiều “bài học” trước đó.

Một thực tế là trong dân hiện nay, số tiền nhàn rỗi vẫn tương đối lớn. Tuy nhiên, môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế, đơn điệu, tính rủi ro cao hoặc thiếu sức hấp dẫn nên khó thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân.

Người dân thường lựa chọn hình thức cất trữ tài sản, vốn liếng bằng cách quy đổi ra vàng, ngoại tệ để cất giữ, gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, cho vay cá nhân và gửi vào các kênh tín dụng “đen” .

Để hạn chế sự phát triển của tín dụng đen, bên cạnh các giải pháp truyền thông, tăng cường các chế tài xử lý, giải pháp quan trọng là xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, an toàn, đa dạng, có lợi nhuận khá để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ người dân.

Nếu làm được, chúng ta sẽ có thêm nguồn đầu tư dồi dào, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân và nâng cao sức mạnh quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn