MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh trong một buổi sinh hoạt tập thể. Ảnh: Tri thức trẻ

Vụ Trường Lương Thế Vinh bị "tố" hà khắc: Xin đừng làm tổn thương con trẻ

TUỆ NHI LDO | 02/10/2017 10:19

Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng những tổn thương từ sự việc phụ huynh “tố” Trường Lương Thế Vinh là sự thật. Những người trong cuộc, từ phụ huynh, giáo viên, nhà trường... và đặc biệt là học sinh đều sẽ bị “tổn thương” nếu những tranh luận mãi kéo dài.

Hiếm có một bức tâm thư nào lại có sức hút và gây ra những tranh luận mạnh mẽ như bức tâm thư của phụ huynh với tựa đề “Bên trong cánh cửa trường Lương Thế Vinh, chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt”.

Trong bức thư, vị phụ huynh này đã trình bày những bức xúc trước lối “giáo dục hà khắc”, “không có tình người”, “chỉ kỉ luật và nước mắt” của giáo viên chủ nhiệm. Bên cạnh đó, cách ứng xử của nhà trường trước sự việc cũng khiến học sinh phải chọn cách chuyển trường.

Trước những "tố cáo" đó, người thì lên án sự hà khắc của nhà trường như theo đánh giá của vị phụ huynh, người lại cho rằng bố mẹ thời nay quá nuông chiều con. Âu, ai nói cũng có cái đúng bởi mỗi người đều đứng trên góc nhìn và cái lí của riêng mình. Nhưng  đã ai nhìn và cảm nhận dưới góc độ học sinh – người đang trực tiếp học tập dưới mái trường vốn rất nổi tiếng đó chưa? Đã ai nghĩ về mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh đang giảm sút hay chưa?

 

Bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng: Chuyện lùm xùm giữa một phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm, sau đó lan sang tới đại diện ban giám hiệu tại Trường Lương Thế Vinh vừa qua thật là đáng tiếc. Dường như gia đình và giáo viên chưa thực sự có một cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, thẳng thắn, chân tình về những biện pháp giáo dục học sinh. Chính từ đó mới dẫn đến chuyện phụ huynh phải viết tâm thư gửi lãnh đạo nhà trường. Và cách xử lý chưa thực sự khéo léo và thuyết phục lại đẩy khoảng cách giữa gia đình và nhà trường ngày càng xa nhau hơn.

Thạc sĩ Lê Thị Loan cho rằng: Điều đó vô tình đã gây nên áp lực cho học sinh đó, dù rất có thể bản thân em không muốn đổi giáo viên mà chỉ là ý muốn của phụ huynh.

Cũng theo bà Loan, về phía gia đình học sinh, khi xảy ra vấn đề, dù lớn hay nhỏ, trước tiên phụ huynh nên trao đổi với giáo viên để nắm bắt tình hình, thậm chí đề nghị những biện pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm lý của con. Chúng ta nên tránh công khai những suy nghĩ, tâm trạng tiêu cực của bản thân lên mạng xã hội.

“Mạng là ảo nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận những tổn thương của cả phụ huynh, nhà trường và học sinh là thật. Chính điều đó làm cho mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường ngày càng xấu đi và đỉnh điểm trong sự việc này là học sinh đã chuyển trường, mặc dù trong thâm tâm con trẻ chưa chắc đã mong điều đó", bà Loan cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn