MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gói thầu Dịch vụ bảo vệ năm 2022 của Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang được cho là có bất thường, với điều khoản ưu ái nhà thầu "quen mặt". Ảnh: P.Q

Bất thường việc mời thầu tại Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang

Phong Quang LDO | 07/01/2022 11:14

Tuyên Quang - Gói thầu Thuê dịch vụ bảo vệ 2022 do Công ty Thủy điện Tuyên Quang làm chủ đầu tư được cho là "bất thường" khi đưa ra tiêu chí hạn chế cạnh tranh, có dấu hiệu trái với các quy định của pháp luật. Một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ vấn đề này.

Có sự "cài cắm"?

Ngày 2.12.2021, hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia đăng tải hồ sơ mời thầu (E-HSMT) gói thầu “Dịch vụ bảo vệ năm 2022”, bên mời thầu là Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang - Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - do ông Dương Thanh Tuyên, Giám đốc công ty ký phát hành.

Tại mục Năng lực, kinh nghiệm cụ thể trong thực hiện hợp đồng tương tự có nội dung: “Trong các hợp đồng tương tự phải có ít nhất một hợp đồng có tính chất bảo vệ (hoặc có phần việc bảo vệ) một trong các nhà máy thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh theo QĐ số 2012/QĐ-TTg”.

Một số nhà thầu cho rằng, tiêu chí trên do Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang đưa vào E-HSMT đã khiến họ không thể tham gia gói thầu. Đồng thời có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, triệt tiêu tính cạnh tranh.

Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang. Ảnh: T.L

Trong công văn kiến nghị gửi EVN, Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Quang Minh TC (số 272 Kim Đồng, phường Minh Tân, TP.Yên Bái) cho rằng, đây là điều kiện nhằm hạn chế nhà thầu tham gia gói thầu.

Trong số 4 nhà máy thuỷ điện lớn của miền Bắc theo QĐ 2012/QĐ-TTg thì chỉ có duy nhất nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang sử dụng bảo vệ thuộc doanh nghiệp bảo vệ chuyên nghiệp. Những nhà máy còn lại đều do lực lượng Công an đảm nhận.

Được biết, ít nhất trong 3 năm liên tục 2019, 2020, 2021, chỉ có Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ Võ Đường Ngọc Hòa trúng thầu dịch vụ bảo vệ tại Công ty Thủy điện Tuyên Quang.

Theo Công ty Quang Minh TC, điều kiện kinh nghiệm do Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang đưa vào E-HSMT đã tạo lợi thế cho một nhà thầu và hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác. Đi ngược với các quy định của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Ngay sau kiến nghị trên, ngày 7.12.2021, Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang đã vội sửa lại E-HSMT theo hướng mở rộng phạm vi: “Trong các hợp đồng tương tự... hoặc một trong các nhà máy điện có công suất từ 300MW trở lên”.

Theo các nhà thầu, cách sửa trên vẫn hạn chế sự tham gia của nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng để hướng tới một nhà thầu đã xác định. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về đấu thầu đều nhấn mạnh, nghiêm cấm việc đưa vào hồ sơ mời thầu các điều kiện nhằm hạn chế nhà thầu.

Cần làm rõ

Đại diện Công ty Quang Minh TC cho rằng: "Nếu Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang không sai thì tại sao sau khi có kiến nghị của chúng tôi họ lại bổ sung tiêu chí. Vấn đề ở đây là họ đưa vào hồ sơ mời thầu điều kiện để triệt tiêu tính cạnh tranh, còn điều kiện cao hay thấp thì vẫn là điều kiện".

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang. Phải sau nhiều lần có ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị này mới gửi một văn bản không số, không ngày tháng, không chữ ký trả lời PV Báo Lao Động.

  Văn bản trả lời của Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang.

Theo đó, cơ sở để Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang đưa ra yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm căn cứ theo hướng dẫn tại mục 7 - Mẫu số 03 (webform trên hệ thống) của mẫu E- HSMT phi tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT.

Tuy vậy, phía các nhà thầu cho rằng, Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang trả lời như trên rất chung chung, không thoả đáng, không thể hiện được việc đưa yêu cầu cụ thể vào E-HSMT.

Theo Công ty Quang Minh TC, tính chất tương tự ở đây là bảo vệ hoặc có liên quan đến bảo vệ nhà máy điện. Vậy thì tại sao lại phải nhà máy điện lớn có tính chất đặc biệt hoặc từ 300 MW trở lên. Do vậy, cần làm rõ liệu có sự "cài cắm" để hạn chế các nhà thầu khác, tạo sự cạnh tranh thiếu bình đẳng hay không?

Gói thầu dịch vụ bảo vệ 2022 của Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang có giá 1,593 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ chi phí sản xuất kinh doanh năm 2022 do EVN cấp. Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ.

Theo Biên bản mở thầu, chỉ có 2 nhà thầu tham dự. Trong khi Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Tập đoàn Võ Đường Ngọc Hoà có giá dự thầu 1,17 tỉ đồng thì Công ty CP Dịch vụ chuyên nghiệp miền Bắc có giá dự thầu cao "bất thường" 1,591 tỉ đồng. Đơn vị nào trúng thầu thì đã rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn