MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hộ nhận khoán ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đề nghị giải thể Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành để giải tỏa gánh nặng đóng góp. Ảnh: QĐ

Bức xúc vì Công ty Xuân Thành hà khắc: Lãnh đạo tỉnh yêu cầu báo cáo

QUANG ĐẠI LDO | 27/02/2022 16:28

Nghệ An – Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành báo cáo thông tin liên quan nội dung báo Lao Động phản ánh.

Ngày 27.2, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Tôi đã nắm được thông tin báo Lao Động phản ánh về một số hoạt động của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành. Tôi đã yêu cầu lãnh đạo Công ty báo cáo. Sự việc sẽ được kiểm tra, xác minh, làm rõ”.

Trước đó, báo Lao Động đã có 2 bài viết phản ánh những bức xúc của các hộ nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành như: ép dân trồng cây chè hiệu quả bấp bênh, không cho dân trồng cây mía có hiệu quả cao trên đất quy hoạch trồng chè, thu tiền nghĩa vụ đất đai quá cao (gấp 4 lần 1 đơn vị trên địa bàn), thu phạt hàng trăm triệu đồng khi người dân phá bỏ vườn cao su không hiệu quả để trồng cây khác, thu lãi tiền nghĩa vụ dân chậm nộp...

Các hộ nhận khoán đất của Công ty Xuân Thành muốn trồng cây mía vì suất đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QĐ
Nhiều người bức xúc đề nghị giải thể Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành,  giải tỏa gánh nặng đóng góp, phạt cho dân.

Về kế hoạch trồng chè, ngày 27.2, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Thuyên – Giám đốc Công ty CP Công - Nông nghiệp 3/2 (cùng địa bàn với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành) chia sẻ: “Thực tế 2 năm gần đây, việc xuất khẩu chè gặp rất nhiều khó khăn do giá cả vận chuyển tăng quá cao. Chè Nghệ An lại không có khả năng cạnh tranh ở thị trường nội địa và cây chè chưa bao giờ mang lại hiệu quả kinh tế có tính đột phá. Phía Công ty tôi cũng đề ra kế hoạch trồng chè nhưng để người dân tự nguyện, không ép buộc. Nên cho dân trồng mía hoặc cây gì có hiệu quả, vài năm nữa trồng chè cũng không ảnh hưởng gì”.

Nhiều doanh nghiệp thu mua chè ở huyện Thanh Chương cũng “khóc đứng khóc ngồi” vì quá khó khăn do thị trường nhập khẩu chè biến động. “Mấy tháng nay chúng tôi tạm ngừng hoạt động do đầu ra quá khó khăn” – chủ cơ sở thu mua chè Truyền Thống (xã Thanh Mai) cho biết.

“Khó khăn như thế mà công ty lại buộc dân trồng chè, trong khi chè đầu tư rất cao (gấp 3 đến 5 lần cây mía), khó trồng, công ty lại không hỗ trợ gì, không cam kết giá bao tiêu sản phẩm” – ông Cao Ngọc Danh – xóm Minh Hồ - xã Minh Hợp nói.

Theo ông Cao Ngọc Danh, năm 2017, do vườn cao su khoảng 6 héc ta bị bão gãy đổ, cả vườn 3.000 cây chỉ còn lại 700 cây, giá mủ quá thấp không có nguồn thu, ông đã đề nghị Công ty cho phá để chuyển đổi sang cây khác.
Hộ ông Cao Ngọc Danh phá vườn cao su bị bão làm gãy đổ, bị Công ty Xuân Thành thu phạt hơn 434 triệu đồng. Ảnh: QĐ
Tuy nhiên, ông Danh đã bị Công ty buộc phải nộp số tiền hơn 434 triệu đồng, trong đó truy thu nghĩa vụ 7 năm số tiền 82,2 triệu đồng, đền bù “thiệt hại” cho Công ty 532,4 triệu đồng, tịch thu toàn bộ cây cao su.

“Toàn bộ vườn cây do tôi bỏ chi phí, công sức để trồng, chăm sóc, đất 1 phần tôi khai hoang, khi phá cây do bão làm gãy đổ không hề ảnh hưởng gì đến Công ty, nhưng họ lại phạt quá nhiều tiền, thu tiền nghĩa vụ của những năm kiến thiết cơ bản. Tôi thấy vô lý, bất công và quá hà khắc nhưng nếu không nộp sẽ bị thu hồi đất, mất đường làm ăn” – ông Danh nói.

Ông Cao Ngọc Danh cho biết trong Hợp đồng nhận khoán đất giữa ông và Công ty không có điều khoản phạt và thu hồi đất, tuy nhiên Công ty lại dựa vào Nghị quyết đại hội Công nhân viên chức để thực hiện.

Được biết, trên địa bàn xã Minh Hợp, còn có rất nhiều hộ gia đình khác bị Công ty phạt do phá cây cao su để trồng cây khác. Người dân bức xúc nhưng buộc phải chấp nhận vì nếu không nộp phạt sẽ bị Công ty thu hồi đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn