MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân "nhẹ dạ cả tin" làm theo yêu cầu mua hàng online đã bị mất trắng số tiền bỏ ra. Ảnh NVCC

Công nhân mất tiền oan vì làm cộng tác viên bán hàng online

ANH THƯ LDO | 21/09/2022 06:00
Nhiều công nhân, sinh viên bị "móc túi" khi làm cộng tác viên bán hàng online, đặt đơn hàng "ảo".

Thực hiện mua các đơn hàng

Trao đổi với phóng viên, chị N.T.H (SN 2002, Phù Cừ, Hưng Yên) cho biết, chị đang là sinh viên ngành làm đẹp của một học viện tại Hà Nội.

Khi tham gia mạng xã hội Facebook, chị H biết đến thông tin tuyển dụng công việc có thể kiếm tiền online. Nhận thấy đây có thể là việc làm thêm tại nhà lúc rảnh rỗi, chị này đã nhắn tin qua số điện thoại được đăng tải để hỏi cụ thể về yêu cầu, mức lương.

Dẫn dụ đến công việc làm thêm online. Ảnh NVCC

Chị H liên tục được tư vấn việc làm qua nhiều mạng xã hội khác nhau. Người tự xưng là nhân viên Công ty Meta Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết công việc chủ yếu là hỗ trợ bán hàng qua mạng. Người lao động sẽ đặt hàng trên sàn thương mại điện tử.

Sau khi sản phẩm đó hiển thị đã bán, hệ thống sẽ hoàn toàn bộ số tiền mua sản phẩm và trả thêm hoa đồng cho người lao động.

Sau đó, họ gửi cho chị H số tài khoản của người tên là Phan Văn Hạnh. Chị này phải thực hiện yêu cầu mua sản phẩm và chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên.

Công việc này đặt ra nhiều nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ lại đưa ra mức tiền phải nộp và số hoa hồng được hưởng khác nhau. Theo chị H, nhiệm vụ 1 chị phải bỏ ra số tiền là 345 nghìn đồng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Sau đó, chị sẽ được hoàn số tiền trên và được thêm hoa hồng là 14%.

Khi đã nhận tiền gốc và hoa hồng của nhiệm vụ 1, chị H tiếp tục tham gia các nhiệm vụ tiếp theo với số tiền yêu cầu đóng cao hơn.

“Mặc dù hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau nhưng tôi không hề được hoàn lại tiền. Mà họ sử dụng chiêu trò yêu cầu tôi phải đóng tiếp tiền vào. Khi tôi đã vét sạch túi, đóng đến 8,6 triệu đồng họ vẫn không trả lại. Lúc này tôi mới ngã ngửa đã bị lừa” – chị H nói.

Sau đó, chị H đã liên hệ trao đổi với những người đã giao dịch với mình. Song họ cho chị thông tin của Công ty Cổ phần King Attorney Meta. Sau đó, đại diện công ty trên xác nhận đã bị mạo danh. Công ty Cổ phần King Attorney Meta không kinh doanh ở lĩnh vực đó.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị V.T.D.T (SN 2002, quê ở Phú Yên) - đang làm công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cũng lao đao vì bị chiếm đoạt mất 6 triệu đồng.

Mới làm công nhân ở công ty linh kiện điện tử được 8 tháng, chị D.T thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Phải thuê trọ tại thành phố Hồ Chí Minh, khoản tiền trên chỉ đủ chị trang trải cuộc sống.

“Vì vậy, tôi cũng muốn tìm kiếm một công việc có thể làm online. Sau khi xem thông tin trên mạng xã hội, họ hướng dẫn tôi làm công việc nạp tiền, mua đơn hàng của họ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được hoàn tiền và trả lại hoa hồng” – chị D.T nói.

Nghe công việc hấp dẫn, chị D.T đã tin theo. Khi hỏi về công ty mình sẽ làm việc, họ đã gửi giấy phép kinh doanh của Công ty Cổ phần King Attorney Meta cho chị này.

Do bất cẩn không tìm hiểu kĩ lưỡng công ty, chị T đã thực hiện các nhiệm vụ mà họ đưa ra. Khi đóng vào đến 6 triệu đồng, hệ thống không hoàn lại tiền. Sau khi nghi ngờ, chị T mới tá hỏa tìm hiểu kĩ lưỡng hơn về công ty. Đại diện công ty Công ty Cổ phần King Attorney Meta xác nhận không kinh doanh, mua bán như trên.

Thực hiện nộp tiền nhưng hệ thống không hoàn trả lại. Ảnh NVCC

Chị T chia sẻ: “Đây là lần bị lừa tiền đầu tiên của tôi, nên tôi rất xót ruột. Công nhân không có tiền dư dả nên để có số tiền trên tôi phải đi vay mọi người. Tôi rất mong muốn có thể lấy lại số tiền trên”.

Mạo danh công ty

Trao đổi với PV, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần King Attorney Meta - Luật sư Đỗ Hữu Chiến cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi đã nhận được thông tin phản hồi từ khách hàng về việc một số đối tượng giả mạo thông tin và sử dụng giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần King Attorney Meta để thực hiện hành vi bất chính”.

Theo vị này, một số người tự nhận là nhân viên Công ty Meta với chiêu thức yêu cầu người lao động đặt đơn hàng giả để tăng lượt mua cho công ty.

Với mỗi đơn hàng như vậy, nhân viên sẽ được trả lại tiền đơn hàng ban đầu và nhận được một số tiền hoa hồng tương đương với giá trị đơn hàng. Nhưng sau khi đạt được mục đích, nhân viên này đã từ chối thanh toán và cắt đứt liên lạc với lao động trên.

Vì nhầm tưởng Công ty Meta và Công ty Cổ phần King Attorney Meta là một, nên nhiều người lao động đã tìm đến Công ty Cổ phần King Attorney Meta yêu cầu giải quyết quyền lợi.

Ông Chiến khẳng định: “Chúng tôi không phải là Công ty Meta. Công ty Cổ phần King Attorney Meta hoạt động chủ yếu về luật, là nền tảng mạng xã hội kết nối luật sư, trọng tài viên trong nước và quốc tế, không hoạt động về lĩnh vực mua sắm trực tuyến hay hoàn thành đơn hàng, nhận hoa hồng. Hiện tại, Công ty đã có văn bản trình bày gửi đến cơ quan công an xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn