MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình nước sạch tiền tỉ ở xã nghèo vừa làm xong đã bỏ hoang. Ảnh: Văn Thành Chương

Công trình tiền tỉ bỏ hoang, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 05/04/2022 19:31
Điện Biên - Khi phóng viên liên hệ tìm hiểu về công trình nước sạch tiền tỉ ở xã nghèo vừa làm xong đã bỏ hoang", chủ đầu tư tỏ thái độ bất hợp tác.

Tại buổi làm việc với UBND xã Noong Luống, huyện Điện Biên (nơi có công trình nước sạch bị bỏ hoang), ông Cà Văn Tranh - Chủ tịch xã - cho biết: “Công trình này do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Điện Biên làm chủ đầu tư. Xã được bàn giao từ năm 2016, tuy nhiên sau đó thì không có nước và công trình không còn hoạt động”.

Phóng viên cũng có cuộc làm việc với Phòng NNPTNT huyện Điện Biên, sau khi rà soát danh sách các công trình do đơn vị triển khai, ông Chu Văn Bách - Trưởng phòng NNPTNT huyện - cho hay: “Công trình nước sinh hoạt Bản Lún do Ban quản lý dự án (QLDA) các công trình huyện Điện Biên làm chủ đầu tư”.

Tất cả hạng mục công trình đều trở nên “vô dụng” sau khi làm xong.

Sau đó, ông Chu Văn Bách cũng đã cung cấp danh sách các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn được đầu tư năm 2016 để khẳng định. Trao đổi lại với lãnh đạo UBND xã Noong Luống, thông tin này cũng đã được xác nhận.

Phóng viên Báo Lao Động đã gọi điện thoại cho ông Lò Văn Bỉnh - Giám đốc Ban QLDA các công trình huyện Điện Biên - để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, sau khi nghe giới thiệu và nội dung làm việc thì vị này nói: “Cảm ơn”, sau đó cúp máy.

Để làm rõ nội dung liên quan đến công trình nước sạch bị bỏ hoang ngay sau khi làm xong gây lãng phí này, phóng viên đã tìm đến trụ sở Ban QLDA các công trình huyện Điện Biên. Tại phòng làm việc của Giám đốc - ông Lò Văn Bỉnh bất ngờ nói: “Tôi không làm việc với báo chí”.

 Phòng làm việc của ông Lò Văn Bỉnh - Giám đốc Ban QLDA các công trình huyện Điện Biên.

Phóng viên Báo Lao Động cũng đã liên hệ và trao đổi về vấn đề này với ông Bùi Hải Bình - Chủ tịch UBND huyện Điện Biên. Ông Bình cho biết: “Tôi sẽ cho kiểm tra ngay! Nếu cán bộ có vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Còn nội dung phản ánh về công trình, chúng tôi sẽ thông tin lại sau khi kiểm tra”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về thực trạng này, cán bộ ngành nông nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm về thủy lợi và nước sinh hoạt cho rằng.Trách nhiệm trước hết là thuộc chủ đầu tư và đơn vị tư vấn! Khi khảo sát nguồn nước thì phải đánh giá trữ lượng (đối với nước ngầm) và lưu lượng đối với nước mặt trong nhiều năm và nhiều thời điểm trong năm.

"Nếu chỉ khảo sát tại một thời điểm mà đánh giá nguồn nước để quyết định đầu tư công trình là thiếu trách nhiệm!" - vị này nói.

Phía trong bể chứa nước.

Trước đó, như Lao Động đã phản ánh, tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, công trình nước sinh hoạt Bản Lún được đầu tư xây dựng năm 2016 với tổng kính phí 1,262 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày  20.5.2013 của Thủ tường Chính phủ về “Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”.

Công trình được xây dựng mới từ năm 2016  gồm 1 bể chứa, 1 đập đầu mối và hơn 1km đường ống nhựa có đường kính 63mm để phục vụ cho gần 200 hộ dân với tại bản Lún và bản Liếng xã Noong Luống. Tuy nhiên, từ năm 2017, chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động “lúc có nước, lúc không” thì công trình này trong tình trạng bỏ hoang từ đó đến nay.

Trong khi chờ câu trả lời của UBND huyện Điện Biên thì PV Báo Lao Động cũng đã nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân về tình trạng tương tự tại một số công trình nước sinh hoạt và thủy lợi trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn