MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nhiều xã ở Thái Bình kêu ca, phàn nàn nước sạch do Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long quản lý vận hành, cung ứng không đảm bảo cả chất lẫn lượng. Ảnh: T.D

Công ty CP Bitexco Nam Long còn nợ người dân Thái Bình hơn 45 tỉ đồng

TRUNG DU LDO | 13/03/2022 17:51
THÁI BÌNH – Sau khi nhận bàn giao 19 công trình cấp nước tập trung từ UBND tỉnh Thái Bình vào năm 2015, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long đến nay chưa trả lại hơn 45 tỉ đồng phần vốn đóng góp xây dựng cho người dân.

Hiệu ứng đầu tiên

Báo Lao Động vừa có loạt bài viết phản ánh về những bất cập, nhức nhối xung quanh câu chuyện quản lý vận hành, cung ứng nước sạch sinh hoạt tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Được biết, ngay sau khi các bài báo được đăng tải, ngày 11.3, đại diện một số cơ quan chức năng tại tỉnh Thái Bình như Hội nước sạch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, công ty có nhà máy nước sạch đóng tại xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy) đã về địa phương tìm hiểu, xác minh phản ánh của người dân.

 Bằng mắt thường cũng thấy hệ thống bể lắng, lọc của nhà máy nước sạch Mỹ Lộc không đạt yêu cầu. Ảnh: T.D

Cơ quan chuyên môn cũng đồng thời kiểm tra hoạt động, tình trạng quản lý vận hành và hiện trạng công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng nghìn người dân các xã Thái Đô, Mỹ Lộc và Thái Xuyên này.

“Chúng tôi đã đến nhà một số người dân vừa qua có ý kiến về việc nước sạch không đảm bảo, tiếp đó là kiểm tra thực tế tại nhà máy, làm việc với đại diện công ty và lãnh đạo các địa phương. Bằng cảm quan thông thường có thể thấy vấn đề người dân phản ánh là có cơ sở, căn cứ. Đoàn cũng đã tiến hành lấy mẫu nước ngẫu nhiên tại nhà của người dân xã Thái Xuyên, Thái Đô và mẫu tại nhà máy để đưa đi kiểm định ngoại kiểm”, một thành viên đoàn kiểm tra (đề nghị không nêu tên), cho hay.

Anh Nguyễn Quốc Huy (37 tuổi, người dân xã Thái Đô) – nói: “Bước đầu tôi thay mặt người dân xin được cảm ơn cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh, đăng tải ý kiến, kiến nghị giúp người dân chúng tôi. Mong rằng tới đây, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn”.  

Tiền nợ dân còn chưa trả, nước sạch bẩn như… nước sông

Theo phản ánh của nhiều người dân, khi bắt tay xây dựng các nhà máy, trạm cấp nước sạch nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) từ những năm 2007 - 2012, họ phải đóng góp phần vốn 10% trên tổng số vốn đầu tư, xây dựng và đến nay vẫn chưa được hoản trả.

Anh P.B.D – người dân xã Thượng Hiền (huyện Kiến Xương) – cho biết: “Năm 2011 thì bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy nước sạch liên xã Thượng Hiền. Tôi nhớ thời điểm đó mỗi hộ phải đóng góp 1.200.000 đồng cho một đồng hồ nước, ai đăng ký tham gia sử dụng nước sạch đều phải đóng góp số tiền này. Đến nay chúng tôi vẫn chưa được hoàn trả lại”.

 Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long còn nợ tổng vốn góp của nhân dân hơn 45 tỉ đồng.

Theo tài liệu được cung cấp, nhà máy nước sạch liên xã Thượng Hiền được đầu tư xây dựng từ tháng 3.2011 đến tháng 6.2012 thì hoàn thành trên diện tích 2.350m2 tại xã Thượng Hiền. 

Nhà máy có công suất thiết kế ban đầu 1.500m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư theo nguyên giá quyết toán là hơn 29 tỉ đồng và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4.2012, cung cấp nước sạch cho người dân xã Thượng Hiền, xã An Bồi (nay gộp vào thị trấn Kiến Xương) của huyện Kiến Xương và xã Phương Công của huyện Tiền Hải.

Năm 2015, UBND tỉnh Thái Bình bàn giao nhà máy nước sạch sinh hoạt liên xã Thượng Hiền và 18 công trình nước sạch tập trung nguồn vốn WB lại cho Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long quản lý, vận hành và nâng cấp mở rộng. Tại thời điểm nhận bàn giao, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long nhận nợ còn lại của nhà máy 17 tỉ 892 triệu đồng, trong đó nợ ngân sách nhà nước 14 tỉ 948 triệu đồng, nợ phần đóng góp của nhân dân là 2 tỉ 943 triệu đồng.

Tương tự như nhà máy nước sạch liên xã Thượng Hiền, cả 18 công trình còn lại nằm rải rác ở các nơi trong tình Thái Bình đều có hoàn cảnh tương tự. Theo đó, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long nhận tổng nợ 263 tỉ 302 triệu đồng, trong đó nợ ngân sách nhà nước 217 tỉ 768 triệu đồng, nợ phần đóng góp của nhân dân là 45 tỉ 534 triệu đồng.

Ngày 12.8.2015, ông Nguyễn Hồng Diên khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký Quyết định 1810/QĐ-UBND quyết định về việc giao 19 công trình cấp nước sạch nói trên cho doanh nghiệp.

Trong quyết định nêu rõ, ngoài việc phải nâng cấp, mở rộng và vận hành có hiệu quả các công trình này, từ 2015 – 2030, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long phải trả hết số nợ đã nhận.

Riêng với số tiền 45 tỉ 534 triệu đồng nợ phần đóng góp của dân, doanh nghiệp sẽ phải hoàn trả dưới hình thức trừ dần vào giá tiêu thụ nước sạch trong thời gian tương ứng với thời gian thanh toán khoản nợ với nhà nước.

Liên quan vấn đề này, trả lời phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Khương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình, cho biết: “Do trước đây khi bắt đầu triển khai xây dựng, chỉ khoảng 60% người dân đăng ký tham gia, góp vốn. Sau này khi thấy được lợi thế, tiện ích của việc sử dụng nước sạch nên những người dân còn lại mới đăng ký đấu nối đồng hồ, đường ống và không phải đóng góp số 10% vốn đối ứng. Vậy nên nếu trả nợ dân bằng cách trừ vào tiền giá dân mua nước thì sẽ có các mức giá khác nhau, dễ gây hiểu lầm và dư luận không tốt”.

“Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh sửa lại một số nội dung trong quyết định bàn giao trước kia, trong đó xem xét trả phần vốn đối ứng cho người dân bằng tiền mặt chuyển về các xã để thống kê, phân bổ theo hồ sơ góp vốn ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long đang xin được ưu tiên sử dụng kinh phí từ việc bán nước sạch để quay vòng đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình nước sạch nên chưa trả được cho người dân”, ông Khương cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn