MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đám ruộng của gia đình anh Thiểu bị đất, đá ở bãi thải của Nhà máy điện gió Tài Tâm bồi lấp nghiêm trọng. Ảnh: Hưng Thơ

Công ty TNHH MTV Tài Tâm Quảng Trị: Hưởng lợi rồi bỏ quên nông dân?

HƯNG THƠ LDO | 30/05/2022 18:08

Quảng Trị - Lúc triển khai dự án, những người chủ dự án điện gió nói với các hộ dân người đồng bào thiểu số ở xã Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là không ảnh hưởng gì. Nhưng chỉ sau vài trận mưa lớn, ruộng lúa, hồ nuôi cá, đất sản xuất của người dân bị vùi lấp, có nơi dày cả mét, khiến việc sản xuất của họ bị đảo lộn.

Nhiều thửa ruộng bị xóa sổ

Ở xã Húc, địa hình toàn đồi núi, diện tích đất có thể canh tác ruộng lúa nước rất ít. Trước kia, người đồng bào thiểu số ở đây chỉ biết trồng lúa cạn trên rẫy, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, dần dần người dân biết làm lúa nước, bằng cách cải tạo đất khu vực gần khe, suối. Thế nhưng, 2 năm trở lại, diện tích trồng lúa nước ở đây giảm dần...

Gia đình anh Hồ Văn Thiểu (trú tại thôn Húc Thượng, xã Húc, huyện Hướng Hóa) làm 3 đám ruộng, đám rộng nhất có diện tích hơn 2.000m2. Nhưng vụ mùa này, anh Thiểu chỉ thu được 5 bao lúa trên thửa ruộng nhỏ xíu, vì 2 thửa ruộng lớn đã bị đất đá bồi lấp nặng, không thể canh tác được.

Dự án điện gió phía trên, ruộng vườn của người dân phía dưới, nên mưa lớn là lập tức bị ảnh hưởng. Ảnh: Hưng Thơ

Anh Thiểu kể, vào năm 2005, khi lập gia đình, anh cùng vợ dọn dẹp thửa đất của bố mẹ cho ở thôn Tà Ri 2, rồi thuê máy ủi, máy múc cải tạo để trồng lúa nước, với diện tích hơn 2.000m2. Ngoài mảnh ruộng này, anh Thiểu còn làm chung với em trai 1 mảnh ruộng ở thôn Húc Thượng rộng khoảng 2.000m2 và một mảnh ruộng nhỏ ở gần nhà. Năm làm 2 vụ, không đạt năng suất cũng đủ gạo để ăn.

Năm 2021, khi Nhà máy điện gió Tài Tâm (thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị) đến dựng trụ điện gió 14 ở phía trên thửa ruộng tại thôn Tà Ri 2, anh Thiểu ý kiến là sẽ ảnh hưởng đến ruộng lúa. “Nhưng phía công ty nói nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng” - anh Thiểu kể.

Khi trụ điện gió dựng lên, để lại bãi thải lớn phía trên ruộng. Tháng 7.2021, lúa ở ruộng lên xanh, cao khoảng 20cm, thì chỉ sau vài ngày mưa lớn, đất ở bãi thải tràn xuống, lấp không nhìn thấy cây lúa. Rồi các trận mưa tiếp theo, cuốn đất, đá tảng tràn xuống, xóa sổ luôn cả bờ ruộng. Cũng trong thời gian này, đám ruộng của anh Thiểu ở gần trụ điện gió số 8 Nhà máy điện gió Tài Tâm cũng bị vùi lấp tương tự.

Ruộng của gia đình anh Thiểu bị bồi lấp. Ảnh: Hưng Thơ

Bao cố gắng của gia đình sau vài trận mưa bị lấp hết, anh Thiểu bức xúc kiến nghị lên UBND xã Húc. UBND xã Húc đã đến kiểm tra, yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị đến cùng thống kê thiệt hại, nhưng đến thời điểm này, sau gần 1 năm, vẫn chưa đi đến thống nhất.

“Bây giờ ruộng bị lấp dày cả mét, cứ mưa là lấp tiếp. Bên điện gió nói chỉ đền 1 sào (500m2) 16 triệu đồng nên tôi không đồng ý. Vì từng đó tiền, không đủ để khắc phục, chứ chưa nói thiệt hại mấy vụ liền” - anh Thiểu, nói.

Phải gia cố bãi thải và đền bù thiệt hại hợp lý cho dân

Ông Hồ Văn Ka Rai - Chủ tịch UBND xã Húc - than “khổ lắm”, khi nói về việc đền bù do ảnh hưởng của dự án điện gió. “Cứ mưa lớn, là lại có hộ bị bồi lấp ruộng, bồi lấp nương rẫy. Dân có đơn thì xã gửi cho công ty, rồi thống kê, nhưng việc đền bù là do công ty thỏa thuận với người dân. Người thì đồng ý, người thì không, rất mệt mỏi” - ông Ka Rai nói.

Đến thời điểm này, ngoài hộ anh Thiểu, ở xã Húc còn khoảng 30 hộ bị bồi lấp ruộng, đất sản xuất nhưng chưa được đền bù. Ông Ka Rai cho hay, xã sẽ tiếp tục có văn bản, đề nghị công ty điện gió phối hợp để sớm thống nhất, đền bù cho người dân, để họ tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

Dự án điện gió làm ở trên sườn đồi cao, các bãi thải chưa được gia cố ổn định, nên không tránh được tình trạng sạt lở khi mưa lớn. Ảnh: Hưng Thơ

Giáp với xã Húc, 11 hộ dân ở thôn Cheng (xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa) cũng có ruộng lúa, đất sản xuất bị bồi lấp từ mùa mưa năm 2021 do bãi thải của dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1 (Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh). “Xã đã phối hợp với công ty đo đạc, xác định thiệt hại và đề xuất công ty hỗ trợ, nhưng hiện công ty đang xin ý kiến của lãnh đạo, chưa biết bao giờ mới đền bù xong” - ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, thông tin.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - nói rằng, lãnh đạo UBND huyện vừa đi kiểm tra, làm việc với 2 dự án nhà máy điện gió nói trên. Tại đây, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa đề nghị, Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh và Công ty TNHH MTV Đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị phối hợp với các địa phương xác định thiệt hại của người dân để chi trả.

“Tôi đề nghị không phải chỉ hỗ trợ chi trả thiệt hại hiện tại, mà phải tính toán đền bù trong vòng 5 vụ, 6 vụ đối với các diện tích bị bồi lấp nặng và có thể tiếp tục bị ảnh hưởng. Trước mắt, 2 công ty đồng ý và hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ chi trả cho người dân” - ông Lê Quang Thuận nói.

Bãi thải của dự án điện gió chưa được gia cố ở xã Tân Liên. Ảnh: Hưng Thơ

Song song việc đền bù đối với những hộ bị ảnh hưởng, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị đẩy nhanh tiến độ gia cố bãi thải, trồng cây bản địa ở các khu vực đã quy hoạch. “Riêng dự án của Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh gia cố bãi thải chậm, chúng tôi đã lưu ý và sẽ kiểm tra tiến độ” - ông Thuận nói thêm.

Tại tỉnh Quảng Trị có 19 dự án điện gió với công suất quy hoạch 723,2MW, công suất phát điện thương mại 671,1MW đã hoàn thành, đưa vào vận hành. Ngoài ra, hiện có 12 dự án điện gió đang trong quá trình thi công. Toàn bộ dự án điện gió nói trên tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Hướng Hóa. Dù triển khai ồ ạt, nhưng hiện chưa có quy hoạch phát triển tổng thể về năng lượng cũng như chưa có đánh giá tổng thể tác động môi trường của toàn vùng. Quá trình triển khai thi công, không ít dự án điện gió đã tác động tiêu cực đến môi trường, nguy cơ xảy ra sạt lở rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn