MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng bức xúc với bên lô đất mình mua trúng đấu giá từ năm 2017 nhưng đến nay chưa được giao đất. Ảnh: QĐ.

Đấu giá 5 năm không được giao đất: Đảm bảo quyền của người mua tài sản

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN LDO | 20/08/2022 22:59

Hà Tĩnh - Theo luật sư, quyền lợi của người mua trúng đấu giá tài sản ngay tình được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Như báo Lao Động đã thông tin, mặc dù mua trúng lô đất đấu giá ngay tình vào năm 2017, nhưng đã 5 năm trôi qua, ông Lê Huy Hoàng, trú xã Thạch Kim, vẫn không được UBND huyện Lộc Hà thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 26.12.2017, Công ty CP bán đấu giá tài sản Lợi Phát (số 2, đường Nguyễn Huy Oánh, TP. Hà Tĩnh) tổ chức bán đấu giá tài sản là lô đất số 13 diện tích 327 m2 tại xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà). Giá khởi điểm là 817,5 triệu đồng, bước giá 41 triệu đồng, tiền đặt trước 163,5 triệu đồng.

Sau đó, ông Hoàng đã mua trúng đấu giá lô đất nói trên với số tiền 858,5 triệu đồng, tuy nhiên đến nay UBND huyện Lộc Hà không phê duyệt kết quả đấu giá.

Nguyên nhân, theo Hợp đồng dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất số 27 ngày 7.12.2017 giữa UBND huyện Lộc Hà và Công ty đấu giá Lợi Phát ghi rõ lô đất số 13 có giá khởi điểm 1,065 tỉ đồng, bước giá 53 triệu đồng, tiền đặt cọc 215 triệu đồng chứ không phải giá khởi điểm 817,5 triệu đồng như Công ty đấu giá Lợi Phát đã tổ chức bán đấu giá.

Vì vậy, vụ việc bị “treo” từ năm 2017 đến nay, mặc dù ông Hoàng đã nhiều lần khiếu nại, kiến nghị.

Ngày 20.8, trao đổi với phóng viên, luật sư Thái Bình Dương (Nghệ An) cho rằng UBND huyện Lộc Hà cần thực hiện đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 đối với trường hợp mua trúng đấu giá của ông Lê Huy Hoàng.

Theo đó, căn cứ các quy định của Luật Đấu giá tài sản, không có điều khoản nào quy định hủy kết quả đấu giá đối với trường hợp của ông Lê Huy Hoàng.

Theo luật sư Dương, khách hàng mua đấu giá là tham gia giao dịch dân sự, trường hợp trúng đấu giá là giao dịch đã hoàn tất, bên bán phải có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục để bàn giao tài sản cho bên mua. Nếu cố ý không bàn giao tài sản là vi phạm giao kết hợp đồng, trái pháp luật.

“Khoản 3, điều 6 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định nguyên tắc đấu giá tài sản là “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên”. Việc thỏa thuận giá khởi điểm là giao kết giữa người có tài sản và tổ chức bán đấu giá, không liên quan đến người mua đấu giá tài sản, do đó khách hàng không phải chịu trách nhiệm và cần được bảo đảm quyền lợi sau khi đã mua trúng đấu giá” – luật sư Thái Bình Dương khẳng định.

Mặt khác, luật sư Dương cho rằng, liên quan đến việc tổ chức đấu giá lô đất số 13 vào năm 2017, theo quy định tại điều 47 Luật Đấu giá tài sản 2016, buổi đấu giá phải có mặt đại diện người có tài sản đấu giá (UBND huyện Lộc Hà). Người này có nghĩa vụ và trách nhiệm giám sát mọi hoạt động của buổi đấu giá.

Trường hợp phát hiện tình huống bất thường có thể ảnh hưởng quyền lợi của chủ sở hữu tài sản, người này có trách nhiệm và có quyền yêu cầu dừng tổ chức buổi đấu giá. Tại buổi đấu giá này, tổ chức bán đấu giá tài sản (Công ty Lợi Phát) đã bán đấu giá lô đất số 13 với giá khởi điểm thấp hơn quyết định phê duyệt của UBND huyện Lộc Hà, tuy nhiên đại diện UBND huyện Lộc Hà không có ý kiến gì, vẫn chấp thuận cho buổi đấu giá tiến hành bình thường.

“Điều đó có nghĩa là đại diện UBND huyện Lộc Hà đã chấp thuận việc bán đấu giá với giá khởi điểm thấp hơn so với chính văn bản của họ phê duyệt. Do đó không thể đổ lỗi cho khách hàng và tước đi quyền lợi chính đáng, họp pháp của họ”, luật sư Thái Bình Dương khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn