MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người lao động Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam khốn đốn vì bị nợ lương

Hoàng Bin LDO | 02/10/2023 06:30

Hàng trăm người lao động (NLĐ) tại Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Quảng Nam bị nợ lương nhiều tháng, nhiều người đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Nam nhưng nợ lương vẫn chưa được giải quyết.

Chật vật xoay sở vì bị nợ lương

Trước ngày sinh nở một tuần, chị P.T.T.N, kế toán Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam (Bệnh viện) hết sức hoang mang khi biết tin chế độ BHXH của chị đã không được Bệnh viện đóng đúng hạn, đồng nghĩa chị phải tự lo liệu mọi chi phí thai sản.

NLĐ Bệnh viện Cao đẳng Y tế phản ánh với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh Nguyễn Hoàng

“Bệnh viện nợ lương của tôi hơn 9 tháng, tổng cộng hơn 30 triệu đồng, đúng thời điểm tôi đang mang thai.

Tôi cố gắng đi làm với hi vọng có được chế độ bảo hiểm thai sản. Nhưng đợi mãi mà Bệnh viện không đóng bổ sung. Toàn bộ viện phí, tôi phải vay, mượn từ người thân để xoay sở, mà không được BHYT đồng chi trả” – chị N phản ánh với phóng viên Báo Lao Động.

Tương tự, anh P.T.T, giảng viên kiêm cán bộ quản lý Bệnh viện CĐYT Quảng Nam chia sẻ, tổng lương, thưởng Bệnh viện nợ anh là hơn 70 triệu đồng, gồm tiền lương, thưởng, phụ cấp độc hại và chế độ dạy vượt giờ.

Trường CĐYT Quảng Nam hiện nợ lương hàng trăm NLĐ, trong đó có 21 NLĐ đã bị cho thôi việc. Ảnh Hoàng Bin

Theo anh T, đa số các cán bộ tại Bệnh viện đã làm việc trên 12 năm, đã đồng hành cùng Bệnh viện trong buổi đầu gian khó. Hiện tại, cuộc sống của NLĐ gặp muôn vàn khó khăn, vì hầu hết đã lập gia đình và đang nuôi con nhỏ.

“Tất cả NLĐ đều cố gắng chia sẻ khó khăn với Bệnh viện nhưng cuối cùng cũng bị cho thôi việc. Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Nam nhưng việc nợ lương vẫn chưa được giải quyết” – anh T lo lắng.

Bác sĩ T.T.H công tác tại Bệnh viện Trường CĐYT chia sẻ, một thời gian dài chị không dám chia sẻ với ai về việc bị nợ lương, mọi chi tiêu, sinh hoạt đều phải “giật gấu vá vai” trong suốt gần 1 năm, khiến bản thân rơi vào bế tắc.

Không có khả năng chi trả

Trả lời Báo Lao Động, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng kiêm Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam thừa nhận, Trường CĐYT Quảng Nam hiện có rất nhiều khoản nợ, mà nguồn thu của trường không có khả năng chi trả.

Ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng kiêm Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam. Ảnh Hoàng Bin

Theo ông Tuấn, ngoài hơn 800 triệu đồng tiền nợ lương 22 cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện (21 người đã bị cho thôi việc từ ngày 15.1.2023), hiện 111 cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường CĐYT Quảng Nam cũng đang bị nợ lương 3 tháng. Bệnh viện cũng đang nợ các nhà cung ứng thuốc cho Bệnh viện trước đây hàng tỉ đồng.

Trong văn bản trả lời đơn của NLĐ, Trường CĐYT Quảng Nam cam kết sau khi được BHXH thanh toán số tiền hơn 11 tỉ đồng vượt trần, vượt dự toán từ năm 2016 – 2020 đối với Bệnh viện, nhà trường sẽ chuyển trả hết số nợ cho NLĐ.

Tuy nhiên, BHXH Quảng Nam thông tin với Báo Lao Động, chỉ có 541 triệu đồng được xác định là do nguyên nhân khách quan, BHXH đã khấu hao vào nợ của Bệnh viện. Còn lại hơn 10,5 tỉ đồng thanh toán sai quy định, không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.

Bệnh viện đa khoa Trường CĐYT Quảng Nam hiện đã tạm ngừng hoạt động. Ảnh Hoàng Bin

Ngày 12.9, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết vướng mắc của Trường CĐYT Quảng Nam.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu Trường CĐYT báo cáo, nêu rõ nguyên nhân các tồn tại hạn chế, tình hình tài chính của trường, các khoản nợ ngân sách đến thời điểm hiện nay.

Đồng thời, cam kết lộ trình trả nợ trong thời gian tới,  phương án để đảm bảo không làm phát sinh nợ mới và đề xuất biện pháp xử lí...); tính toán xây dựng phương án phù hợp quy định và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ theo quy định.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Tân - Đoàn Luật sư Quảng Nam, nguyên tắc trả lương được quy định trong Bộ Luật Lao động là người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ.

Chỉ khi vì lí do bất khả kháng thì người sử dụng lao động mới có thể trả lương trễ so với thời hạn thỏa thuận, tuy nhiên không được chậm quá 30 ngày, nếu không sẽ bị phạt vi phạm và phải đền bù tổn thất cho NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn